Tuesday, December 6, 2016

KÝ ỨC MỘT THỜI / Chánh Nguyễn (Toán 726 ĐCT72)


Mấy chiếc trực thăng UH1 vừa thả 3 toán chúng tôi xuống đỉnh Đồng Đen đã cất lên cao bay về căn cứ. Chúng tôi đến thay các toán khác về và yểm trợ cho trung đội 3 TQLC đóng chốt ở đây. Chúng tôi nhanh chóng căng lều ổn định chổ ở. Bọn tôi 4 trong số 33 đứa gồm: tôi, Lê Phước Hậu, Đặng Kim Hùng và Lê Văn Tam sau khi rời Trung tâm huấn luyện Yên Thế (Long Thành) được đưa về đoàn 72. Tôi, Hậu và Hùng được bổ sung vào toán 726 của thiếu uý Quách Tố Long, còn Tam qua toán khác. Chúng tôi là lính mới tò te và đây là lần đầu tiên tham dự một cuộc nhảy toán thật sự nên có đôi chút háo hức và bở ngở. Chúng tôi được phân công trực gác và có nhiệm vụ gài claymore mấy con đường khi trời tối. Nhưng, khi mặt trời còn ngang tầm mắt thì  trung đội 3 TQLC được lệnh hành quân thoái. Các toán trưởng của chúng tôi đã thống nhất với viên thiếu uý trung đội trưởng TQLC tên Chung Quang Nhường là sẽ rút theo sau TQLC khoảng nữa tiếng đồng hồ. Trời tối thật nhanh. Từ trên đỉnh Đồng Đen nhìn xuống, mây trắng phủ lưng chừng núi nhìn khung cảnh hết sức thần tiên và yên bình. Nhưng, lúc ấy tôi không biết rằng trước khi nổi bão tố thì trời hết sức trong lặng, êm ả như đánh lừa. Lúc nầy cũng vậy. Quả nhiên chỉ ít sau, đâu đó trong không gian vẳng lại tiếng xe tăng như muốn xé tan cái tịch mịch của màn đêm. Tôi đoán là xe tăng của vc, nhưng tôi không dám hỏi. Chúng tôi theo con đường anh em TQLC đã đi trước đó mà xuống núi. Lúc còn trên đỉnh thì dù trời tối, nhưng vẫn thấy lờ mờ và khô ráo. Nhưng, khi chui vào rừng thì sương mù dầy đặc đọng trên lá tụ lại rơi xuống như mưa và xung quanh những chiếc lá mục phát sáng như muôn ngàn ánh mắt của ma trơi cứ nhìn chòng chọc vào chúng tôi đầy đe dọa. Tuy vậy, trời tối đến nổi tôi không thể thấy được bàn tay của mình giơ trước mặt. Vì vậy, người đi sau cứ đâm sầm vào ba lô người đi trước. Sau đó, ai đó đưa ra sáng kiến là treo những nhánh cây phát sáng nầy sau ba lô để khi di chuyển nó sẽ đong đưa, những người đi sau sẽ nhìn vào đó mà đi theo. Khoảng một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi bắt kịp trung đội TQLC và cả 2 lực lượng cùng nhau xuống núi. Đi được một lúc qua khỏi khu rừng rậm, xung quanh không còn những ánh mắt ma trơi và mưa nữa. Chúng tôi đã thấy được lờ mờ. Nhưng vào lúc nầy, tôi bất cẩn trượt chân té nhào xuống triền núi. Do tôi cầm một cây M79 khá gọn, ít bị vướng víu gì nên tôi cứ thế mà lao xuống. Nhờ có một thân cây chắn ngang đã giữ tôi lại sau khi bị lộn 2 vòng. Ê ẩm nhưng may mắn là tôi không bị sứt mẻ gì nghiêm trọng. Phía trên, tiếng anh em vọng xuống nho nhỏ hỏi tôi có làm sao không? Có leo lên được không? Tôi trả lời không sao rồi nhanh chóng lồm cồm bò lên hoà nhập vào hàng ngũ rồi tiếp tục di chuyển. Chúng tôi cứ im lặng, lầm lũi đi như những bóng ma. Nghĩ đến đó tôi chợt thấy thú vị : Đúng là bóng ma biên giới không sai. Nhưng, tôi đâu ngờ rằng đó là những giây phút sảng khoái hiếm hoi cuối cùng mà tôi tự thưởng cho mình.
Trên đường đi, có một tiền đồn của lực lượng địa phương quân. Chúng tôi định ghé vào nghỉ ngơi một chút rồi sẽ tiếp tục xuống núi. Nhưng, đó là một sai lầm đắt giá. Lúc ấy, đơn vị ĐPQ đóng trong đồn đã bỏ đi hết và chúng tôi không thể liên lạc được với họ. Vì vậy, khi gần đến đồn, trung đội TQLC đi trước đã vướng phải mìn của chính đồng đội mình gài để ngăn vc. Sau tiếng nổ chát chúa như xé toạc màn đêm, một số anh em TQLC chết liền tại chổ, một số bị thương, kể cả trung đội trưởng Chung Quang Nhường. Có một anh bị nát 2 chân. Anh nói chúng tôi làm ơn bắn anh chết đi vì lúc nầy không còn cứu viện, tiếp tế gì được nữa mà anh cũng không muốn sống đời tàn tật. Nhưng, những anh em TQLC còn lại không thể và chúng tôi cũng vậy. Anh bèn chửi chúng tôi là những kẻ hèn nhát và vô số từ ngữ khó nghe khác chỉ nhằm khích chúng tôi bắn anh chết đi. Chúng tôi chỉ im lặng và sau đó rút đi sau khi để lại cho anh một khẩu súng. Đi được chừng mươi bước, chúng tôi nghe một loạt đạn M16 vang lên. Dù đã biết trước kết cuộc, nhưng sao vẫn nghe trong lòng áy náy, xót xa. Lúc nầy, nhiệm vụ mở đường đã được chuyển cho các toán. Chúng tôi tìm đường khác đi vòng qua đồn để tiếp tục xuống núi. Sau sự cố vừa rồi, chúng tôi di chuyển một cách thận trọng nên tốc độ chậm lại và cũng là để số anh em TQLC bị thương nhẹ nhưng vẫn còn đi, đứng được có thể bám theo.
Chúng tôi xuống được gần tới chân núi thì đã quá trưa hôm sau. Lúc nầy, chúng tôi được lệnh dừng lại nghỉ ngơi, ăn uống. Nhưng, tôi đã quá mệt nên không thể nuốt nổi bất cứ thứ gì, chỉ khát nước. Cũng lúc nầy, chúng tôi biết được rằng là đơn vị của chúng tôi đóng ở Tiên Sa đã đi rồi, sau khi có anh em nào đó nêu thắc mắc sao không gọi trực thăng bốc đi cho nhanh. Tuy vậy, có nguồn tin an ủi là còn vài chiếc tàu của TQLC đang neo ngoài biển chờ rước chúng tôi. Nhưng, tôi không biết được là từ nơi chúng tôi đang đứng đến mấy chiếc tàu của TQLC là bao xa? Chúng tôi phải đi bao lâu mới đến được nơi đó? Tôi đã được học về cách sử dụng bản đồ và la bàn để xác định vị trí. Nhưng lúc nầy, trong tay tôi không có chúng mà chỉ có khẩu M79 thô kệch và không hơn gì khúc gỗ.(Vì sao tôi nói như thế sau nầy sẽ đề cập). Chừng 15 phút sau, chúng tôi tiếp tục lên đường. Hoá ra, từ chổ chúng tôi nghỉ chân đến cái làng gần chân núi cũng không xa lắm. Nghe cái làng nầy cũng thuộc phe "quốc gia" nên chúng tôi kêu anh em TQLC đi trước để người trong làng nhận biết, vì các toán xâm nhập trang bị giống vc nên không khéo lại có chuyện "ta đánh mình" thì không hay chút nào. Nhưng, tất cả chúng tôi đều lầm. Khi những người lính TQLC đầu tiên thấy được những mái nhà đầu tiên thì trong làng phát ra tiếng loa phóng thanh kêu gọi chúng tôi buông súng đầu hàng để được hưởng khoan hồng. Chúng tôi khựng lại giây lát sau sự cố bất ngờ nầy. Tiếng loa vẫn tiếp tục lập đi, lập lại cái điệp khúc đáng ghét đó như một cái đĩa hát bị cà lăm. Tôi nhìn ngược lên cái nơi mà chúng tôi đã từ trên ấy xuống. Tôi không thể nào nhận ra đỉnh Đồng Đen ở đâu bởi sự chập chùng, trùng điệp của rừng núi Trường Sơn. Tôi thở dài ngán ngẫm khi nghĩ tới cảnh phải quay ngược lên đó để tìm đường thoát khỏi cái làng chết tiệt nầy. Nhưng, chỉ huy của tôi đã quyết định đi vòng qua làng như đã đi vòng qua cái đồn ĐPQ trước đó để ra ngã 3 Huế, nơi mà chúng tôi tin là còn những chiếc tàu của TQLC đang đợi. Chúng tôi băng xuống ruộng lúa ngoài bìa làng để qua ngọn đồi phía trước. Những thân lúa cao tới háng và sình, lầy đã làm chúng tôi di chuyển hết sức khó khăn. Vài anh em đã bỏ ba lô để dể dàng xoay trở. VC trong làng sau khi kêu gọi chúng tôi đầu hành không được đã nổ súng. Từng tràng AK và rải rác tiếng pháo cối đã nhắm về phía chúng tôi mà vang lên mỗi lúc một dồn dập hơn. Số anh em đi trước đã lên được trên đồi, ẩn núp sau mấy bụi sim và bắt đầu bắn trả. Đạn nổ vang trời đã phá tan cái tĩnh mịch của một buổi chiều làng quê. Tôi và Hậu hình như là những người đi sau cùng. Chúng tôi cũng lần lượt trút bỏ ba lô vì những người đi trước đã vô tình làm cho sình nhão ra và cái lún trở nên sâu hơn, khó khăn hơn khi muốn rút chân lên. Tôi đã mệt lắm rồi, cơ hồ không muốn nhúc nhích nữa. Nhưng tôi không muốn bị bỏ lại nơi đây. Tôi nhìn lên phía trước tìm đồng đội, chỉ để tự an ủi là mình không đơn độc. Trên lưng đồi, tôi thấy chuẩn uý Nguyễn Trọng Vui thuộc toán khác nhưng cùng xâm nhập kỳ nầy, đang hiên ngang sãi bước cứ như chiến tranh đang diễn ra ở nơi nào khác chứ không phải tại đây. Tôi thầm cảm phục sự dũng cảm của anh ấy, người đã rất tự tin, bình thản trước cái chết đang chực chờ. Bỗng nhiên, một trái đạn nổ sau lưng anh. Khói lửa, đất đá bùng lên che khuất người anh. Sau khi khói bụi tan đi, tôi thấy chiếc ba lô sau lưng và cây súng trên tay anh biến mất, quần áo rách lỗ chổ, nhưng anh vẫn tiếp tục đi lên đồi và khuất sau mấy bụi sim. Tôi quay lại động viên Hậu ráng lên. Lúc nầy, Hậu đã bị tụt lại đằng sau cách tôi vài mét. Có lẽ nó đã quá mệt. Tôi thấy Hậu lấy bi-đông nước ra uống. Tôi nói cho tao uống với. Nó thảy cái bi-đông cho tôi rồi xin tôi một trái lựu đạn (Không hiểu sao Hậu lại không mang theo lựu đạn). Tôi tháo một trái M67 quăng cho nó rồi mở nắp bi-đông uống một hơi, xong tôi quăng lại cho nó. Vì đã quá mệt nên lực ném của tôi không đủ sức đưa cái bi-đông tới chổ nó. Nhưng, Hậu cũng không buồn chồm tới lấy cái bi-đông. Tôi nghĩ chắc nó chờ khi bò tới sẽ lấy luôn cho tiện. Vì vậy, tôi quay lại trước và tiếp tục bò. Được vài mét, tôi vạch bụi lúa án trước mặt và thấy bờ ruộng kề bên. Tôi quay đầu về sau báo cho Hậu biết đã tới bờ ruộng rồi, nhưng tôi thấy nó quỳ thẵng lên, 2 tay ôm trước bụng và mắt nhắm nghiền. Tôi thoáng có ý nghĩ thằng nầy muốn tự sát nên la lên: Hậu! thì một tiếng nổ từ phía nó vang lên, khói lửa bốc cao rồi nó đổ gục ra sau. Tận mắt chứng kiến người bạn thân nhất của mình đã gắn bó với nhau, chia sẻ ngọt bùi với nhau từ quân trường Đồng Đế (Nha Trang) đến Trung Tâm huấn luyện Yên Thế (Long Thành) và cùng về một toán ở Đoàn công tác 72 rồi cùng đi một chuyến xâm nhập, bị chết không toàn thây như thế, tôi đã khóc nức nở như một đứa trẻ.....

12/7/2016
  Dù rất đau lòng, nhưng tôi không thể ở dưới ruộng hoài được, tôi phải nhanh chóng theo những anh em khác rời khỏi cái nơi chết tiệt nầy. Tôi vội bò thêm vài bước rồi lên bờ, tức là tôi đã ở dưới chân đồi. Nhưng, tôi vô cùng hoảng hốt khi nghe tiếng súng AK nổ tứ phía, cả trong những bụi sim "Thôi rồi! Không lý nào vc đã chiếm đuợc chổ nấp của anh em và đang bắn những người khác?" Nhưng sau đó tôi đã kịp trấn tỉnh khi nhớ lại lực lượng của chúng tôi cũng được trang bị AK47 như của vc để dể dàng trà trộn vào chúng. Tuy nhiên, tôi lại rơi vào sự phân vân vì không biết sẽ chạy về hướng nào để không phải rơi vào tay vc. Tôi phải vận dụng những kiến thức quân sự mà tôi đã được học tập ở thao trường cũng như nhớ lại những mẫu chuyện chiến đấu của ba tôi khi ông trao đổi với bạn bè bên những bữa tiệc sau khi hành quân về (ba tôi là lính đại đội 2 trinh sát dù) cùng với sự nhận định cá nhân của mình để phân biệt tiếng súng nào của phe ta và tiếng súng nào của địch. Như vậy, tiếng AK từ những bụi sim trên đồi gần hơn và xen kẽ có tiếng M16 nhỏ hơn chắc là của anh em mình. Nhưng, tôi lại phân vân khi nghĩ rằng mình có thể đoán sai vì vc cũng có thể có M16 lắm chứ. Sau một thoáng chần chừ, tôi quyết định chạy về phía những bụi sim vì nghĩ rằng nếu cứ đứng một chổ mà suy tính lung tung thì sớm muộn gì cũng ăn đạn. Một liều, ba bảy cũng liều. Tôi mở khoá an toàn cây M79 rồi chạy nhanh lên đồi về phía những bụi sim. Vừa chạy, tôi vừa nhớ bài học về phản phục kích đã thụ huấn ở Đồng Đế là khi bị phục kích, đừng nằm im một chổ làm bia cho địch bắn mà hãy xông lên tấn công lại chúng. Đó là cách tìm đường sống trong cái chết. Nếu tôi nhận định sai chạy vào ngay ổ vc thì...cưa luôn. Bây giờ thuật lại những điều nầy nghe rất dài dòng, nhưng sự thực lúc bấy giờ những ý nghĩ ấy lướt qua trong đầu tôi cực kỳ nhanh. Khi chạy đến chổ bụi sim gần nhất, tôi thấy thiếu uý Quách Tố Long, toán trưởng của tôi cùng những anh em khác của cả 2 lực lượng đang nã từng loạt đạn về phía ngôi làng. Sà vào bụi sim đầu tiên, nơi có 2 anh lính TQLC đang nấp, tôi lại khóc vì những trạng thái tình cảm trái ngược đang xen lẫn vào nhau giằng xé nội tâm mình. Tôi vui vì mình đã nhận định đúng, tôi đã tìm được đồng đội của mình. Tôi buồn vì nhớ đến Hậu đã không có được may mắn như tôi và từ đây Hậu phải nằm lại một nơi hoàn toàn xa lạ, giữa những người xa lạ và không biết có được chôn cất đàng hoàng không hay bị vc kéo xác về đầu làng để cao giọng rêu rao là đã chiến đấu anh dũng và bắn hạ được bao nhiêu tên "giặc"? Lát sau, khi nhịp tim và cảm xúc đã trở lại bình thường, tôi nhìn quanh và thấy 2 người lính TQLC cũng trạc tuổi tôi đang phân chia nhau bắn một cây súng M16, tức là anh nầy bắn vài phát rồi đưa qua cho anh kia. Hoá ra 2 anh chàng nầy chỉ có 1 cây súng. Tôi cũng không thắc mắc tại sao lại như thế mà chỉ quan sát xem hành động của 2 anh chàng nầy, thấy cũng hay hay. Lúc đó, anh không có súng chỉ tay vào một bụi cây xa xa và nói với anh đang cầm súng:
- Có một thằng ở bụi cây kia kìa, mầy có thấy hôn?
- Thấy rồi! Mầy coi tao hạ nó nè.
Nói xong, anh cầm súng kê lên vai lấy đường ngắm. Tôi nhìn về hướng mũi súng thì thấy một tên mặc bộ quần áo lính không ra lính mà dân cũng chẳng phải dân đang lum khum di chuyển từ bụi cây nầy sang bụi cây khác. Nó đang tìm cách đến gần chúng tôi hơn. Tôi thầm ước lượng khoảng cách từ chổ chúng tôi đến tên vc chỉ từ 250 đến 300m. Tầm nầy thì dư sức "lượm" thằng vc kia. Hồi ở quân trường, tôi học bắn cũng không tệ nên mới dám nghĩ thế. Một tiếng nổ chát chúa phát ra từ họng súng của anh chàng TQLC, tên vc vẫn tiếp tục di chuyển
- Trật rồi mầy. Đưa tao.
- Để tao bắn phát nữa!
- Thôi! Đưa đây tao. Mầy mà bắn trật nữa là nó tới sát đây luôn bây giờ.
Không biết có phải nghe anh kia hù hay không mà chàng này trao súng lại cho chàng kia liền. Chàng kia đón lấy cây súng rồi đưa lên vai lấy đường ngắm-đùng-tên vc vẫn không bị gì.
- Mầy bắn cũng đâu hơn gì tao mà bày đặt. Đưa đây tao.
Lúc nầy, tôi không thèm quan tâm đến 2 anh chàng TQLC kia xem ai sẽ là người bắn phát kế tiếp. Trước đây tôi nghe nhiều người nói khói súng làm người ta hăng lên không còn cảm thấy sợ hãi nữa. Tôi không biết có đúng không, nhưng tôi nghĩ đó là sự tự tin khi được cầm trong tay một thứ có khả năng làm mình cảm thấy mạnh mẻ hơn mà thôi. Tôi cũng có thứ ấy trong tay và muốn chứng minh mình cũng rất mạnh mẻ. Tôi ghếch nòng cây M79 lên và ước lượng khoảng cách, xong tôi bóp cò- tạch-
không nổ! Tôi hạ súng xuống, mở nòng, lấy viên đạn ra xem xét từ trong nòng súng đến viên đạn để tìm nguyên nhân vì sao bắn không nổ? Tất cả đều sạch sẽ và khô ráo dù đã trải qua một đêm lội dưới sương và khi lóp ngóp dưới ruộng, tôi vẫn cố giữ súng không bị ướt. Tôi lại lắp đạn vào, đóng nòng súng lại, mở khoá an toàn, lấy khoảng cách rồi bóp cò, cũng chỉ là một tiếng tạch khô khốc. Tôi lấy viên đạn trong súng bỏ ra, rút viên khác lắp vào, lại đóng nòng súng, mở khoá an toàn, canh khoảng cách...nhưng tôi không còn thấy mục tiêu đâu nữa. Không biết nó đã bị bắn chết hay đã di chuyển đi đâu. Tuy nhiên, để kiểm tra cây súng, tôi nhắm hú họa vào bụi cây có tên vc nấp khi nãy, bóp cò. Vẫn chỉ là một tiếng tạch. Chán chường, tôi tính liệng cây súng đi, nhưng chợt nghĩ lại: Không lẽ mình đi tay không? Nếu phải đánh xáp lá cà thì có cây súng làm binh khí cũng đỡ hoặc bất chợt gặp tụi vc mà mình chĩa cây súng nầy ra dọa thì tụi nó cũng sợ té đái và cái đáng sợ nhất là sau nầy về đơn vị trình diện mà báo mất súng lúc đang chiến đấu thì ra toà án binh chắc cú luôn. Vì vậy, tôi vẫn giữ lại cây súng vô dụng đó.
Bắn nhau với vc chừng 15 phút nữa rồi chúng tôi bắt đầu rút đi, bởi chúng tôi  không biết quân số của chúng, loại vũ khí mà chúng được trang bị và chúng tôi cũng không phải là một đơn vị tác chiến như TQLC hay nhảy dù v.v...Hơn nữa, chúng tôi cần nhanh chóng ra biển cho kịp chuyến tàu. Lúc rút đi, tôi hơi ngạc nhiên là sao vc không tổ chức đuổi theo chứ tôi không biết rằng đã có anh em tình nguyện ở lại để ngăn cản sự truy sát của vc và người đó chính là viên sĩ quan dũng cảm tôi nhìn thấy đã đi hiên ngang trên đồi, chuẩn uý Nguyễn Trọng Vui.....


12/11/2016
Việc mất liên lạc với các đơn vị có liên quan đến cuộc hành quân xâm nhập của chúng tôi và sự trở mặt của cái làng trước đây thuộc về "quốc gia" ấy, đã làm chúng tôi phần nào cũng hiểu đuợc quân đội VNCH đã không còn kiểm soát được khu vực Đà Nẵng-Quảng Nam và vc đang chiếm lĩnh khắp nơi nên chúng tôi hết sức thận trọng khi di chuyển nhằm tránh bị phát hiện. Tình thế bây giờ hết sức nguy hiểm. Chúng tôi không thể tin vào bất kỳ ai cho dù chỉ là đứa trẻ chăn trâu hay những người làm ruộng, đốn củi v.v...và sẽ trả giá đắt nếu để cho ai đó nhìn thấy sự hiện diện của mình. Chúng tôi len lỏi theo những bụi cây mọc trên các ngọn đồi để đi về phía biển, nơi chúng tôi vẫn cố gắng tin rằng còn những chiếc tàu đang neo đậu đâu đó ngoài khơi để chờ chúng tôi. Trời bắt đầu đổ mưa. Những cơn mưa tuy không lớn, không nặng hạt như trong miền Nam, nhưng nó dai dẵng, dầm dề đến khó chịu. Chúng tôi ướt lướt thướt và tôi thấy đói bụng, đã gần một ngày đêm rồi còn gì. Nhưng, cũng như phần lớn anh em, tôi đã bỏ ba lô đựng lương khô dưới ruộng khi đụng độ với vc. Tôi liếm nước mưa trên môi cho đỡ khát và cũng hy vọng sẽ đỡ đói phần nào, nhưng vô ích, cái dạ dầy lép kẹp của tôi như bị đánh thức. Nó cồn cào, thôi thúc, xâu xé tôi mãnh liệt hơn, nhưng không có gì xung quanh để tôi có thể cho vào miệng ngoại trừ những chiếc lá xám xịt của những bụi cây mọc hoang trên đồi. Tôi đi theo anh em trong trạng thái vô thức. Một lúc sau, tôi chợt tỉnh vì đoàn người đã dừng lại. Một con đường đất phía dưới đồi cách chúng tôi chừng trăm mét hiện ra xa tít tầm mắt, nhưng chen chúc trên đó là lớp lớp cộng sản Bắc Việt đi cặp theo những chiếc molotova, loại quân xa của Trung cộng viện trợ cho Bắc Việt, kéo theo sau những khẩu cao xạ, đang ùn ùn tiến về phía mà tôi nghĩ là thành phố Đà Nẵng. Chúng đông đến mức chỉ có quân số ở các quân trường mới có thể so sánh được, nghĩa là cả hàng ngàn người. Chúng đi nghênh ngang, không cần ngụy trang và nói năng ồn ào cứ như gầm trời nầy đã thuộc về chúng. Điều nầy càng củng cố thêm suy đoán của tôi là cộng sản đã chiếm thêm Đà Nẵng sau Phước Long, Buôn Ma Thuật và Huế. Chúng tôi nằm như dán xuống mặt đất và bất động như hoá đá, ngay cả việc hít thở cũng không dám làm mạnh vì chỉ cần một sơ suất nhỏ để kẻ địch phát hiện ra thì số phận của toàn bộ 18 anh em chúng tôi gồm 9 người của đoàn 72 và 9 của TQLC xem như đã an bài. Chúng tôi căng mắt nhìn vào kẻ địch đang di chuyển bên dưới mà hết sức lo lắng, thầm cầu mong đừng có ai trong số cả ngàn người kia chột bụng hay buồn tiểu tách khỏi hàng quân chạy lên đồi giải quyết thì...Nhưng, vị thần may mắn chưa rời bỏ chúng tôi trong cơn nguy khốn như thế. Chốc lát, trời tối xuống thật nhanh đã hoà chúng tôi vào màn đêm một cách hoàn hảo. Chúng tôi lặng lẽ trườn đi, cố gắng không gây ra tiếng động nhất là không để đất đá trượt xuống phía dưới. Được khoảng khá xa có thể cho là an toàn, chúng tôi lại đứng lên lom khom mà đi. Cứ đi được một chút thì dừng lại, ngồi xuống nghe ngóng, quan sát động tĩnh rồi lại đứng lên lom khom đi tiếp. Lúc nầy cơn đói tạm dịu đi thì tôi lại nghe buồn ngủ. Mỗi lần dừng lại thì 2 mắt tôi như dính lại với nhau làm tôi chỉ muốn nằm lăn ra đất mà ngủ, nhưng tôi lại sợ mình bị anh em bỏ rơi dù điều nầy chắc chắn không bao giờ xảy ra. Đến quá nữa đêm, chúng tôi lọt vào một vườn dưa leo của ai đó. Mọi người nhanh chóng tìm hái vài trái ăn cho đở đói. Với sức vóc thanh niên tuổi 18 như tôi mà chỉ bỏ vào miệng 2 trái dưa lớn hơn ngón tay cái một chút thì thật chẳng thấm vào đâu. Nhưng anh em đã nhanh chóng lên đường mà tôi thì không muốn bị bỏ lại. Chúng tôi đi, đi mãi đến gần sáng thì ra tới một cái nghĩa địa. Tôi nghĩ thầm: " Như vậy là cũng gần một cái làng nào đó nữa rồi". Lần nầy, thiếu uý Quách Tố Long toán trưởng của tôi, chuẩn uý Chung Tử Ngọc toán phó và thiếu uý Chung Quang Nhường trung đội trưởng trung đội 3 TQLC sau khi bàn bạc đã quyết định cho anh em dừng lại ngủ, nghỉ chờ trời sáng vì các anh cho biết phải đi qua một cái làng trước khi ra quốc lộ 1 mà như vậy không thể đi thành đoàn dài mà phải chia nhau thành từng tốp nhỏ 2,3 người giả như dân đi rừng, đi rẫy và phải bỏ lại toàn bộ súng ống, đạn được cùng những vật dụng quân trang, quân dụng khác ở nghĩa trang, để đi qua làng ra quốc lộ 1, sau đó tìm đường ra biển. Tôi đã quá mệt nên khi nghe lệnh dừng lại ngủ, nghỉ là tôi vội nằm xuống chìm sâu vào giấc ngủ. Tôi thức giấc khi những tia nắng đầu tiên chiếu vào mắt. Tôi đoán chừng mình đã ngủ được khoảng hơn nữa tiếng đồng hồ. Tôi nhìn quanh tìm đồng đội. Hình như họ không ngủ hay sao ấy mà đang dùng tay moi đất thành những cái rãnh rồi cho súng, đạn và đôi giầy xuống, sau đó lấp lại. Tôi cũng làm như vậy. Thật may, xung quanh ngôi mộ tôi nấp có khá nhiều cát nên việc dùng tay bới cát của tôi cũng không khó khăn lắm. Sau khi lấp xong cây M79, đôi giầy và mấy trái lựu đạn, tôi giữ lại một trái mini và nhét vào lưng quần. Trong tình thế không còn gì để mất, tôi sẽ hành động như Hậu. Quốc lộ 1 cách chổ chúng tôi nấp không xa lắm, vẫn xe cộ ngược xuôi, người qua kẻ lại. Duy chỉ có điều lạ là trên mui những chiếc xe GMC hay JEEP lại gắn thêm cờ Phật giáo sặc sỡ như chuẩn bị tham dự một lễ hội nào đó. Chúng tôi cố đoán nhưng cuối cùng vẫn không hiểu tại sao lại thế. "Chút nữa thì biết chứ gì!". Tôi nghĩ vậy. Chúng tôi phân ra từng nhóm nhỏ 2 hoặc 3 người rời chổ nấp ở nghĩa trang, đi vào làng. Tôi và một người lính TQLC nữa đi sau cùng. Tôi tự nhắc mình phải bình tĩnh chú ý xem chừng những tốp đi trước có bị trở ngại gì không để có thể hổ trợ, nhưng quái thật không thấy họ đâu và cũng không thấy người nào trong làng đi lại. "Chắc đi làm hết rồi"-Tôi thầm nghĩ vậy. Nhưng đúng lúc tôi cảm thấy nhẹ nhỏm thì sau lưng vang lên tiếng gọi.
- Nầy! Mấy anh kia đi đâu đấy? Đứng lại! Có giấy tờ gì đưa ra coi.
Tôi ngoái nhìn ra sau thì thấy 2 thanh niên mặc đồ dân sự, tay cầm M16 chĩa về mình và đang đi theo sau lưng chúng tôi. Trong lúc tôi đang phân vân tự hỏi 2 thanh niên nầy là nhân dân tự vệ hay là vc thì anh bạn TQLC bỏ chạy làm tôi cũng co giò phóng theo. Sau lưng, tiếng la: "Đứng lại! Đứng lại!"...đuổi theo rồi tôi nghe tiếng lên đạn và 2 tiếng súng nổ vang, nhưng tôi vẫn cắm đầu chạy. Tôi chạy nhanh hết mức có thể, lồng ngực tôi như muốn vỡ ra, nhưng tôi cũng biết rằng mình không thể nhanh hơn viên đạn, tuy vậy tôi vẫn chạy. Khi chỉ còn cách quốc lộ 1 chừng vài mươi mét thì trước mắt tôi 3 người đàn ông cầm súng M16 có, AK cũng có, xông ra chận tôi lại. Lố nhố sau lưng những người nầy là một số anh em đi trước. Thì ra, chúng bố trí chốt gác ở đầu làng để chận xét bất cứ ai lạ mặt ra vào làng. 2 tên khi nảy mà giờ tôi biết chắc chắn là du kích có nhiệm vụ đi tuần tra quanh làng đã không thèm đuổi theo chúng tôi mà chỉ cần nổ súng báo cho tụi ở chốt gác đầu làng ra chận lại là xong. Trong lúc tụi nó đang hỏi mấy người khác thì tôi dùng ngón chân cái xoay xoay trên đất để moi một cái lỗ rồi kéo lưng quần ra cho trái lựu đạn mini rớt xuống, xong tôi dùng chân lùa cát lấp lên trước khi bọn chúng xét hỏi tới mình. Kiểm tra xong, chúng đưa chúng tôi vào một căn phòng mà tôi nghĩ là nhà kho vì nó chẳng có đồ đạc gì bên trong. Đầy đủ 18 người không thiếu một ai. Chúng tôi ngồi một lát thì có vài người, trong đó có một cán bộ cộng sản Bắc Việt với quân phục thùng thình, bước vào. Chúng vừa ghi chép vừa hỏi từng người chúng tôi về đơn vị, cấp bậc, chức vụ v.v...xong rồi hỏi chúng tôi có ăn uống gì chưa? Khi biết chúng tôi chưa ăn gì, tên cán bộ cộng sản Bắc Việt kêu những người trong làng nấu cơm cho chúng tôi ăn liền, rồi sau đó bỏ ra ngoài. Chúng tôi  ngồi suy nghĩ mông lung một lát thì lại có thêm một người bị bắt đưa vào phòng. Người nầy mặc quần áo dân sự rất chỉnh tề, tay mang theo một cái va-ly trông như nhà doanh nghiệp hơn là một quân nhân. Nhưng, qua trao đổi với nhau chúng tôi mới biết ông là một sĩ quan cấp tá đang tìm đường vào Sài Gòn và cũng như chúng tôi, ông không có giấy tờ gì khi qua chốt gác của vc. Chừng non một tiếng sau, vài người dân trong làng, lần nầy có cả phụ nữ, mang cháo và thịt heo kho vào cho chúng tôi. Họ nói chúng ăn tạm cháo vì đã bị đói mấy ngày, nếu ăn cơm bây giờ sẽ không tốt. Thấy họ đối xử cũng không có thái độ thù địch lắm nên chúng tôi tạm yên tâm. Nhưng, sự yên ổn ấy không kéo dài được lâu vì vào khoảng 8 giờ tối, mấy tên bộ đội Bắc Việt với đầy đủ súng ống xuất hiện dẫn người sĩ quan cấp tá mặc thường phục đi với lý do đưa ra ông ấy là ngụy quyền gì đó nên cần tách riêng. Chúng tôi ở lại với ngổn ngang những cảm xúc, vừa lo cho ông ấy không biết bị đưa đi điều tra để moi thêm tin tức hay bị xử bắn không chừng? Nhưng, dù thế nào thì số phận của ông ấy cũng lành ít dữ nhiều. Chúng tôi cũng hết sức lo lắng cho tính mạng của anh em mình vì binh chủng của chúng tôi cũng thuộc  vào loại "đầy nợ máu với nhân dân" theo cách nói của cộng sản mà thực ra phải gọi là chỉ với bọn xâm lược phương Bắc thì đúng hơn. "Không biết khi nào đến lượt mình ra đồng đây?" Tôi luôn trăn trở với suy nghĩ như trên nên cả đêm hầu như không ngủ được. Mấy anh em khác chắc cũng vậy vì tôi nghe thi thoảng trong đêm văng vẵng tiếng thở dài. Nhưng, chúng tôi đã quá lo xa vì đêm đó không có điều gì xảy ra với chúng tôi cả.
  Sáng hôm sau, tên cán bộ cộng sản Bắc Việt cùng vài người trong làng đến chổ chúng tôi ngủ, y nói một thôi, một hồi về cái gọi là căn cứ vào chính sách nhân đạo gì gì đó của chính quyền cách mạng đối với tù, hàng binh nên quyết định thả chúng tôi đi. Tạm mừng vì duy trì được mạng sống, nhưng ruột gan chúng tôi cũng rối như mớ bòng bong vì chúng tôi biết đi về đâu khi đơn vị không còn nữa? 18 anh em chúng tôi đều từ miền Nam ra, không có thân thích gì ở cái nơi xa lắc, xa lơ nầy thì việc ăn ở phải nói là vấn đề nan giải. Chúng tôi đi một cách vô vọng về hướng Đà Nẵng, không ai nói với ai tiếng nào. Hình như chúng tôi sợ phải nói ra sự thật đang đè nặng lên tâm tư mỗi người. Dọc đường, chúng tôi thấy vô số quần áo, vật dụng của các quân binh chủng vất ngổn ngang và dân chạy giặc tay xách, nách mang lũ lượt kéo đi như trẩy hội, người đi vào lại có kẻ đi ra không biết đâu mà lần...


12/12/2016
 Trên đường đi về phía thành phố Đà Nẵng, chúng tôi nhiều lần bắt gặp hình ảnh những vị sư ngồi chễm chệ trên những chiếc xe JEEP quân sự của VNCH, nhưng lại do cán binh cộng sản lái chạy tới,chạy lui. Trước khi gia nhập quân đội, tôi là một Phật tử thuần thành thường xuyên đi chùa, lễ Phật và là thành viên ban hộ niệm của niệm phật đường Lữ đoàn 2 nhảy dù, nhưng khi nhìn thấy những hình ảnh trên, niềm tin tôn giáo của tôi bị vỡ vụn hoàn toàn. Tôi cũng được nghe nhiều người nói có những kẻ xin đi tu để trốn quân dịch hoặc cộng sản nằm vùng đội lốt các nhà tu v.v... nhưng lúc ấy tôi chỉ nghĩ : " Tai nghe không bằng mắt thấy"và hôm nay tôi đã được tận mục sở thị rành rành. Chúng tôi tìm đến chùa tỉnh hội thành phố Đà Nẵng vì chỉ có nơi đây mới dung chứa thập phương bá tánh mà không đòi hỏi điều kiện gì. Trước sân chùa, một đống cao bằng nóc nhà súng ống đủ loại và cơ man là người, cả dân chạy giặc và lính các binh chủng. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được chổ cho 18 anh em nằm nghỉ. Khi đã yên vị, tôi nghe đói bụng nên tìm xuống bếp nhà chùa để kiếm thức gì đó bỏ bụng, nhưng đã có hàng đống người xếp hàng dài chờ đợi trước đó rồi, chẳng có cách nào khác tôi cũng phải xếp hàng theo. Nhìn những người vừa lãnh phần ăn xong quay ra, tôi nhìn trên tay họ chỉ có chén cháo lỏng nấu với ít cà rốt băm nhuyễn. Dù rất thất vọng nhưng biết sao được khi số lượng người quá đông so với khả năng cung cấp của nhà chùa. Cũng phải mất 15 phút xếp hàng, tôi mới được phát cho một chén cháo, chẳng bỏ bèn gì so với một thằng thanh niên 18 tuổi, cao 175cm và nặng 60kg đang tuổi ăn, tuổi lớn như tôi. Tôi tính ăn xong chén cháo sẽ quay lại vài lần đến khi no bụng thì thôi, nhưng nhìn hàng người xếp hàng dài dằng dặc đến vài chục mét thế kia, tôi bỏ luôn ý định đó. Trong thời gian lưu lại chùa, chúng tôi nghe những nguồn tin do người dân loan truyền là cộng sản đã chiếm được chổ nầy, chổ khác và chúng tiến đến đâu lính quốc gia lại buông súng đầu hàng đến đó. Không biết những người khác nghĩ sao chứ cá nhân tôi rất thất vọng khi nghe những tin tức như thế. Tôi tự nguyện gia nhập quân đội khi mới 17 tuổi sau khi xem một phim tài liệu về cuộc pháo kích của vc vào một trường học ở Cai Lậy giết chết nhiều trẻ em. Tôi đã nằng nặc xin nghỉ học để đăng lính dù mẹ tôi khóc hết nước mắt năn nỉ tôi hoãn lại ý định nhập ngũ mà chờ ba tôi về- lúc đó, ba tôi cùng đơn vị đại đội 2 trinh sát thuộc Lữ đoàn 2 nhảy dù, đang đóng quân ở Non Nước Đà Nẵng, nhưng tôi là loại người không dễ dàng từ bỏ mục đích của mình. Thế là tôi lên đường với hành trang mang theo là một trái tim tan nát của mẹ mình (cầu xin mẹ ở trên cao tha thứ cho sự nông nổi, bồng bột của con lúc trẻ). Nhưng, tôi lại nghe cộng sản sẽ lùa dân và nhất là lính quốc gia đi đầu làm bia đỡ đạn trong trường hợp quân đội VNCH phản công để chận đà tiến của chúng. Nói chung, là dù thế này hay thế kia thì những tin tức ấy không lấy gì làm vui vẻ. 

12/13/2016
Trên đường đi, chúng tôi nhiều lần bắt gặp hình ảnh những vị sư ngồi chễm chệ trên những chiếc xe JEEP quân sự của VNCH, nhưng lại do cán binh cộng sản lái chạy tới,chạy lui. Trước khi gia nhập quân đội, tôi là một Phật tử thuần thành thường xuyên đi chùa, lễ Phật và là thành viên ban hộ niệm của niệm phật đường Lữ đoàn 2 nhảy dù, nhưng khi nhìn thấy những hình ảnh trên, niềm tin tôn giáo của tôi bị vỡ vụn hoàn toàn. Tôi cũng được nghe nhiều người nói có những kẻ xin đi tu để trốn quân dịch hoặc cộng sản nằm vùng đội lốt các nhà tu v.v... nhưng lúc ấy tôi chỉ nghĩ : " Tai nghe không bằng mắt thấy" và hôm nay tôi đã được tận mục sở thị rành rành.  Chúng tôi tìm đến chùa tỉnh hội thành phố Đà Nẵng vì chỉ có nơi đây mới dung chứa thập phương bá tánh mà không đòi hỏi điều kiện gì. Trước sân chùa, một đống cao bằng nóc nhà súng ống đủ loại và cơ man là người, cả dân chạy giặc và lính các binh chủng. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được chổ cho 18 anh em nằm nghỉ. Khi đã yên vị, tôi nghe đói bụng nên tìm xuống bếp nhà chùa để kiếm thức gì đó bỏ bụng, nhưng đã có hàng đống người xếp hàng dài chờ đợi trước đó rồi, chẳng có cách nào khác tôi cũng phải xếp hàng theo. Nhìn những người vừa lãnh phần ăn xong quay ra, tôi nhìn trên tay họ chỉ có chén cháo lỏng nấu với ít cà-rốt băm nhuyễn. Dù rất thất vọng nhưng biết sao được khi số lượng người quá đông so với khả năng cung cấp của nhà chùa. Cũng phải mất 15 phút xếp hàng, tôi mới được phát cho một chén cháo, chẳng bỏ bèn gì so với một thằng thanh niên 18 tuổi, cao 175cm và nặng 60kg đang tuổi ăn, tuổi lớn như tôi. Tôi tính ăn xong chén cháo sẽ quay lại vài lần đến khi no bụng thì thôi, nhưng nhìn hàng người xếp hàng dài dằng dặc đến vài chục mét thế kia, tôi bỏ luôn ý định đó. Trong thời gian lưu lại chùa, chúng tôi nghe những nguồn tin do người dân loan truyền là cộng sản đã chiếm được chổ nầy, chổ khác và chúng tiến đến đâu lính quốc gia lại buông súng đầu hàng đến đó. Không biết những người khác nghĩ sao chứ cá nhân tôi rất thất vọng khi nghe những tin tức như thế. Tôi tự nguyện gia nhập quân đội khi mới 17 tuổi sau khi xem một phim tài liệu về cuộc pháo kích của vc vào một trường học ở Cai Lậy giết chết nhiều trẻ em. Tôi đã nằng nặc xin nghỉ học để đăng lính dù mẹ tôi khóc hết nước mắt năn nỉ tôi hoãn lại ý định nhập ngũ mà chờ ba tôi về- lúc đó, ba tôi cùng đơn vị đại đội 2 trinh sát thuộc Lữ đoàn 2 nhảy dù, đang đóng quân ở Non Nước Đà Nẵng, nhưng tôi là loại người không dễ dàng từ bỏ mục đích của mình. Thế là tôi lên đường với hành trang mang theo là một trái tim tan nát của mẹ mình (cầu xin mẹ ở trên cao tha thứ cho sự nông nổi, bồng bột thời trẻ của con). Nhưng, tôi lại nghe cộng sản sẽ lùa dân và nhất là lính quốc gia đi trước làm bia đỡ đạn trong trường hợp quân đội VNCH phản công để chận bước tiến của chúng. Nói chung, là dù thế này hay thế kia thì những tin tức ấy không lấy gì làm vui vẻ. Và, như để xác chứng cho việc thất thủ của quân đội VNCH, số người đổ vào chùa tỉnh hội mỗi lúc một đông hơn làm không gian xung quanh càng trở nên chật chột, ồn náo, nhếch nhác hơn. "Không thể ở lại đây được nữa rồi vì cứ đà nầy kéo dài thì sẽ đến lúc nào đó nhà chùa cũng sẽ hết lương thực, lúc đó tai họa sẽ ập đến khi hàng ngàn con người bị đói sẽ sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để có cái ăn" Kinh hoàng trước suy nghĩ đó, tôi nhìn quanh như tìm người chia sẻ thì bắt gặp ánh mắt của người lính TQLC cùng nhóm với chúng tôi ở Đồng Đen xuống, đang nhìn mình. Chúng tôi trạc tuổi nhau nên cũng dễ hoà đồng. Anh ta hỏi tôi:
- Ông đói bụng hôn?
Tôi gật đầu. Anh ta hạ thấp giọng xuống:
- Tui với ông ra chợ kiếm gì ăn đi.
- Tui không có tiền.
- Tui có. Nhưng tui nghe lính mấy ông đi lãnh tiền tử trước mà.
Không biết giải thích thế nào, tôi nổ luôn:
- Ừ! Nhưng tụi mình không đem theo làm gì, trong rừng cũng có xài gì được đâu, với lại tụi tui đi chỉ có 10 ngày là thay toán khác rồi, đem theo chỉ nặng thêm.
- Vậy thì ông đi với tui.
Thế là 2 đứa chúng tôi lẵng lặng đi ra khỏi chùa tìm đường vào chợ. Trên đường đi, anh chàng TQLC không vào các hàng quán ăn mà tìm mua 1 trái tim heo tươi, 1 miếng gan và 3 ổ bánh mì. Thấy vậy tôi hỏi:
- Ông mua thứ nầy rồi làm sao nấu? Trong chùa đâu có cho đem đồ mặn vô.
- Thì mình ra ngoài nhà dân mượn nồi nấu chứ đâu đem vô chùa. Tui thèm món nầy quá. Ăn cho bổ tim.
Nói xong, anh ta cười cười ra vẻ hài lòng khi thỏa mãn ước muốn hết sức bé nhỏ, bình dân của mình. Sau khi 2 đứa ăn xong, anh ta rủ tôi đi về Sài Gòn vì anh ta cũng có suy nghĩ giống như tôi là không thể ở lại chùa được nữa.
- Cũng được, nhưng để hỏi mấy ông kia đã, có gì rủ mấy ổng đi luôn.
Nhưng, anh ta khoát tay, nói:
- Mấy ổng giờ cũng không biết giải quyết thế nào đâu. Nếu mấy ổng không chịu đi thì sao? Ở lại nữa hả? Với lại, đi một đám đông quá sẽ rất khó khi dọc đường ghé nhà dân xin ăn lắm.
Với lập luận nầy, anh chàng TQLC đã thuyết phục được tôi hoàn toàn. Thế là 2 đứa tôi lên đường theo quốc lộ 1 trực chỉ Sài Gòn, không kịp từ biệt những đồng đội còn nán lại. Tôi đã không biết được rằng đó là cuộc chia ly kéo dài đằng đẵng mà những 41 năm sau, tôi mới có dịp gặp lại những chiến hữu của đơn vị xưa- Đoàn 72 Hắc Long/Sở công tác/Nha kỹ thuật.
Dọc đường, chúng tôi thấy họa hoằn lắm mới có trường hợp người dân còn ở lại nhà mà phần lớn trong số họ đã bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn để lo chạy giặc. Từng tốp người gồng gánh lỉnh kỉnh hoặc chất đồ đạc lên xe đạp đẩy đi. Những tốp lính hay đã từng là lính thì đúng hơn, người thì còn mặc nguyên bộ quân phục, nhưng đã xé phù hiệu, người thì lộn trái áo lại, người mặc áo thun, người lại ở trần...bước xăng xái trên đường, họ cười nói râm ran như vui mừng vì chiến tranh đã lùi xa, không còn sợ chết trẻ hoặc bị tàn phế vì thương tật nữa. Lại có những phần tử mà tôi biết là vừa được thoát khỏi nhà tù cũng rảo bước trên đường, thật sự mà nói tôi không tin tưởng những người nầy lắm. Ai mà biết được họ sẽ hành động thế nào nếu gặp một người phụ nữ ưa nhìn hoặc một vật gì đó mà họ thích? Bây giờ là giai đoạn tranh tối, tranh sáng, hay nói cách khác là giai đoạn vô chính phủ, ai muốn làm gì thì làm mà không sợ bị luật pháp chế tài.
Trên đường xuôi Nam, chúng tôi nhiều lần ghé vào những ngôi nhà vắng chủ để tìm thức ăn còn sót lại và cũng để kiếm cho mình bộ quần áo dân sự thay cho bộ đồ lính. Nhưng, có thể chủ nhà đã mang đi hết hoặc những người đi trước đã vét sạch những gì còn lại nên mãi rất lâu chúng tôi mới đổi được bộ quần áo trên người. Anh chàng TQLC thì may mắn hơn tôi vì tầm vóc của anh ta chừng hơn 1,6m khá phổ biến với người Việt Nam, nên bộ quần áo anh ta tìm được khá vừa vặn với khổ người. Riêng tôi thì "đen" hơn khi chỉ kiếm được một cái quần dài quá đầu gối một chút và cái áo rộng thùng thình đã có vài miếng vá. Chúng tôi cũng tìm được duy nhất một đôi dép mỏng đến mức không thể mỏng hơn, thế là chúng tôi luân phiên nhau mang cho đỡ nóng và rát chân khi đi trên đường nhựa.
Những chiếc cầu nằm dọc theo quốc lộ 1 từ Quảng Nam đến Quảng Tín đã bị lính VNCH đánh sập để làm chậm bước tiến của cộng sản. Chúng tôi phải leo qua để sang bên kia bờ nhằm tiếp tục cuộc hành trình. May là những con sông ở miền Trung không rộng nên việc đi chuyển cũng không đòi hỏi nhiều công sức. Chúng tôi đi mãi đến khi gặp được ngôi nhà nào có người ở thì vào xin cơm ăn. Những người dân miền Trung, theo tôi được biết qua những câu hát,bài vè như: đất cày lên sõi đá, chó ăn đá gà ăn muối, mùa đông thiếu áo hè về thiếu ăn v.v...lại khá hào phóng khi chia sẻ cho chúng tôi những bữa ăn chỉ có cơm độn khoai với mắm cái của họ. Có lẽ chúng tôi may mắn vào lúc họ vừa dùng cơm xong nên mới có cái mà ăn, chứ người đi trên đường nhiều không đếm xuể, không ai có thể đủ sức giúp đỡ mọi người. Sau khi ăn xong, chúng tôi lại tiếp tục đi, đi mãi đến quá nữa đêm thì 2 chân tôi đau nhức vô cùng không thể nào lê bước được nữa. Chúng tôi vào một ngôi nhà vắng chủ để nghỉ, ngủ cho lại sức nhằm sẽ tiếp tục cuộc hành trình vào ngày mai. Nhưng đêm đó, đôi chân tôi nó nhức buốt đến mức tôi không thể thẳng ra hay co lại được. Tôi nằm lăn hết bên nầy qua bên kia cho đỡ nhức mà nghe ngoài đường người ta vẫn đi lại nhộn nhịp. Rồi tôi cũng ru mình vào giấc ngủ chập chờn, mãi đến khi mặt trời đã lên cao mới gượng ngồi dậy được. Ngán ngẫm khi nghĩ tới con đường về Sài Gòn dài thăm thẵm, trong khi đôi chân như muốn rớt ra ngoài, nhưng nếu không cố gắng đi thì không biết bao giờ mới về nhà, về đơn vị nên tôi rủ anh bạn TQLC tiếp tục lên đường. Nhưng, lần nầy anh ta lắc đầu nói không muốn đi nữa. Tôi hỏi tại sao thì anh chỉ trả lời ngắn gọn:
- Ông đi trước đi, tui sẽ đi sau.
Tôi ngần ngừ cũng muốn ở lại nghỉ cho khỏe hẳn đôi chân rồi đi cũng không muộn, nhưng thấy anh bạn TQLC có vẻ muốn dấu điều gì đó nên tôi từ biệt anh rồi tiếp tục lên đường dù chỉ một mình. Lần nầy, có thể không có bạn đồng hành và đôi chân rất đau nhức nên tốc độ đi của tôi giảm nhiều so với hôm qua, dù vậy tôi vẫn cố gắng đi, đến trưa thì tới một nơi gọi là Châu-Ổ thuộc tỉnh Quảng-Ngãi....


12/15/2016
2 thân cây dài được bắc ngang qua quốc lộ 1 làm thành một cái chốt chận để kiểm tra tất cả những người qua lại. Cũng giống như ở cái làng Hoà Vang, Hoà Cầm gì đó, tôi cùng rất đông người khác không thể đi qua được cái chốt nầy vì không có giấy tờ gì cả. Chúng tôi bị lùa vào một cái trường tạm thời ngưng việc dạy học để dùng làm nơi tập trung số tàn quân. Có mấy trăm người tuổi từ 18 đến ngoài 40 đã được giữ lại đây trước khi tôi vào. Họ đứng ngồi lộn xộn và xầm xì to nhỏ về đơn vị, về hoàn cảnh của nhau. Trên gương mặt mọi người đều hiện rỏ sự mệt mỏi, chán chường và lo âu. Tôi cũng tìm một chổ rồi ngồi bệt xuống nghỉ chân. Tôi đưa mắt nhìn quanh xem có ai là người quen không? Những đồng đội cùng đơn vị chắc chắn là không rồi, nhưng những đứa bạn cùng trại gia binh Lữ đoàn 2 nhảy dù, hoặc mấy đứa bạn cùng đại đội 847 lúc thụ huấn tại Đồng Đế ra trường rồi đóng quân ngoài miền Trung nầy cũng có mấy mống, nhưng tôi không thấy ai trong số họ. Tôi vừa thất vọng lại vừa mừng và mong là bọn nó đừng bị rơi vào hoàn cảnh bi đát như tôi. Đến trưa, một gã cán binh cộng sản được hộ tống bởi mấy tên du kích cầm súng AK47 đến kêu mọi người im lặng để nghe phổ biến vài vấn đề. Gã cũng huyên thuyên về cái gọi là giặc Mỹ xâm lược, về bọn tay sai ngụy quân, ngụy quyền, về cách mạng, về giải phóng gì gì đó mà không biết có ai thèm lắng nghe không? Sau đó, gã nhấn mạnh là chúng tôi sẽ được đưa đi học tập cải tạo để thấm nhuần đường lối, chủ trương của đảng và đợt học tập như thế chỉ có 2-3 ngày, sau đó sẽ có xe đưa chúng tôi về tận nhà. Cuối cùng gã nói chúng tôi sẽ được phát gạo để nấu cơm ăn và nên nấu cơm nhiều để mang theo trên đường đi đến nơi học tập cải tạo. Nghe xong tôi đã thoáng nghi ngờ:" Đang còn chiến tranh làm sao đưa về nhà được và nếu chỉ học tập vài ngày thì tổ chức ở đây cũng được chứ sao lại phải đưa đi đâu nữa?". Đó là nỗi hoài nghi đầu tiên của tôi trong quá trình khám phá và nhận chân được cái bản chất của cộng sản, đó là: Dối trá, đê tiện và tàn bạo. Có lác đác vài tiếng vỗ tay mang tính xã giao khi gã cán binh kia chấm dứt bài nói chuyện. Sau đó, chúng tôi được phát mỗi người 3-4 lon gạo gì đó đựng trong những cái bao thường được quân đội dùng đựng đất, cát để làm công sự chiến đấu. Chúng tôi phải tự nấu cơm sau khi được chúng đưa cho mấy cái chảo lớn và một xô mắm cái (loại mắm làm từ một loại cá biển cở 1-2 ngón tay rất phổ biến ở miền Trung, thoạt nhìn cũng giống như mắm sặc miền Nam, nhưng độ mặn thì...kinh khủng khiếp). Một lúc sau nữa, tên cán binh quay lại hỏi trong chúng tôi có ai làm cảnh sát, an ninh, mật thám gì đó thì đứng ra đi theo hắn. Có vài người gượng gạo tách ra theo tên cán binh. Cũng giống trường hợp ông sĩ quan cấp tá mặc thường phục ở gần ngã 3 Huế, tôi nghĩ sự sống của những người nầy như chỉ mành treo chuông. Đến khoảng xế chiều, chúng kêu chúng tôi sắp thành 2 hàng dọc rồi đưa đi. Cách khoảng 10m thì có một thằng dân tộc thiểu số mang AK47 đi phía ngoài canh chừng. Chúng dẫn chúng tôi đi về hướng rừng núi Trường Sơn trùng điệp và tôi biết rằng đây sẽ là một chuyến đi khó có ngày về chứ không phải chỉ  có 2-3 ngày như chúng đã nói lúc trưa. Khi đi ngang qua một miếng vườn nọ, một anh nông dân cũng khoảng gần 40 tuổi, chống cuốc đứng nhìn chúng tôi đi ngang qua và nói với theo:" Trước tụi bây ngon lắm mà, giờ sao không giỏi vào bắt gà, bắt vịt nữa đi?" Nghe vậy, một anh trong hàng lên tiếng:" Bộ ông già bị mất cái gì hả? Ai bắt gì thì ông già nói thẳng với người đó chứ ông già nói lung tung đụng chạm nghe". Lập tức, thằng thượng cộng đi nhanh tới anh chàng vừa nói câu đó, trở báng súng AK đập cho anh ta vài phát liền. Từ lúc đó, chúng tôi chỉ biết câm lặng đi theo. Đến sẫm tối, chúng cho chúng tôi nghỉ chân ven một cái làng nào đó. Vài người trong làng ra chửi chúng tôi, đúng hơn là chửi lính Mỹ tàn ác đã gây ra vụ thảm sát Mỹ Lai gì đó mà lính quốc gia là bọn rước voi về giày mả tổ v.v...Nghe vậy, ý nghĩ lợi dụng đêm tối bỏ trốn của tôi tan biến hoàn toàn. Lý do thứ nhất là tôi không biết mình đang ở đâu? Kế đến, mấy nơi chúng tôi vừa đi qua có vẻ thù địch với VNCH mà điều nầy là bất lợi vô cùng vì nếu không được sự giúp đở của người dân, tôi không thể trốn thoát được và sau hết, tôi không biết từ đây về Sài Gòn sẽ còn bao nhiêu chốt chận như ở Châu-Ổ nầy nữa! Chừng nữa giờ sau, chúng tôi lại lên đường. Dù trời khá tối, nhưng vẫn thấy được đường đi. Tôi đoán là mình được đưa lên núi vì mặt đất cứ cao dần lên. Khoảng nữa đêm, đến một nơi có địa hình tương đối bằng phẳng, chúng tôi được dừng lại để ngủ. Những ai mang theo ba-lô thì tương đối có được những vật dụng cần thiết để bảo vệ bản thân trước sự khắc nghiệt của thời tiết miền Trung. Riêng tôi thì chỉ có được mỗi tấm áo phong phanh tìm được trên đường đi, không đủ để chống lại cái lạnh như cắt da, cắt thịt của đêm vùng cao nên tôi chỉ còn biết ngồi bó gối mà run lập cập. Sau, có ai đó gom những nhánh cây khô đốt lên để sưởi. Nhiều người thấy vậy cũng nhặt nhạnh thêm, mỗi người vài nhánh chất vào làm thành đống lửa lớn cho nhiều người cùng sưởi. Hoá ra không phải chỉ có mỗi mình tôi bị lạnh. Nhưng, cái lạnh miền Trung thật đáng sợ đến nỗi sưởi phía nào thì phía đó ấm còn những nơi khác vẫn thấy lạnh. Thế là tôi lại loay hoay xoay tròn để giữ cơ thể không bị lạnh. Rồi tôi cũng thiếp đi vì quá mệt mỏi.
      Sáng hôm sau, chúng tôi lại lên đường và tôi không còn hoài nghi nữa mà chắc chắn là mình đang đi ngược lên núi. Qua bao đèo cao, vực sâu, chúng tôi đến trước một cái trại dựng cạnh một con suối. Gọi là trại cho sang chứ thật ra chỉ là những dãy nhà tranh, xung quanh là lớp hàng rào ngăn cách được dựng sơ sài bằng mấy cây rừng. Bên trong thấp thoáng những người mà tôi biết họ cũng là tù binh như chúng tôi, đang lui cui làm gì đó mà vì ở xa nên tôi không thấy rõ. Lúc mấy tên cán binh cộng sản vào trại để nói chuyện về việc có tiếp nhận chúng tôi vào trại không thì bên ngoài suối, chúng tôi tranh thủ uống nước, rửa ráy tay chân. Nước mát lạnh làm chúng tôi thấy khỏe lên đôi chút. Lát sau, mấy tên cán binh quay ra kêu chúng tôi đi tiếp vào sâu hơn vì trong trại đã chứa hàng ngàn người rồi nên không thể nhận thêm nữa. Chúng tôi lại lên đường và đã đi qua vài cái trại tù binh như thế. Cuối cùng, khi đến một con suối khác, tên cán binh có chức vụ cao nhất-sau nầy là giám đốc trại tù binh F7D của chúng tôi, ra lệnh dừng lại lập trại mới. Chúng tôi được chia thành từng tổ 10 người, có tổ trưởng, tổ phó để nhận và phổ biến công việc từng ngày cho anh em. Công việc đầu tiên là mỗi tổ được phát 2 cái rựa và 2 cây cuốc và phải bắt tay ngay vào việc chặt cây, cắt và đánh tranh để dựng trại. Trước giờ tôi chỉ đi học rồi hứng chí lên tình nguyện nhập ngũ luôn nên mấy công việc nhà nông nầy tôi hoàn toàn mù tịt. Với lại, sống ở Sài Gòn thì đào đâu ra mấy cái việc nầy mà thật ra tôi không hứng thú với việc trở thành một anh nông dân lắm. Nhưng không lẽ anh em làm mà mình không động tay, động chân gì thì cũng khó coi nên tôi lò mò đến chổ để mấy cái chảo, nơi có vài anh đang hì hục đào lấy đất đắp thành bếp để nấu ăn cho cả trại. Khi mấy anh nầy nghỉ tay thì tôi cầm lấy dụng cụ rồi xăng xái đào, đắp loạn xị lên. Với sức vóc to cao, làm việc xốc vác, tôi nhanh chóng chiếm được cảm tình của mấy anh em tổ "anh nuôi" nầy, nhất là anh tổ trưởng tên Thạch, người Quảng-Ngãi, là người lớn tuổi nhất trong tổ và tổ phó Kông-Sao-Phông, người Hoa ở Chợ-Lớn. Lúc nầy, tổ "anh nuôi" kể cả tôi là được 6 người, chúng tôi chia làm 2 tốp, tốp thì vẫn tiếp tục đào đất đắp bếp và làm chổ ngủ cho anh em, tốp thì lo lãnh gạo nấu cơm. Cả trại có gần 800 người,mỗi người được 1 lon gạo. Cơm nấu xong, chúng tôi xúc đổ ra một tấm nylon lớn được trãi dưới đất rồi múc ra mỗi phần 3 chén vắt thành cục để xếp thành hàng dài. Tổ trưởng và tổ phó sẽ đến nhận cơm cho tổ của mình. Thức ăn thì chỉ có một ký mắm cái với một ký muối hột và một xô nước múc từ suối lên nấu chung để làm thành một thứ nước chấm bỏ trong cái thau nhôm, ai muốn lấy bao nhiêu tuỳ ý.
Ngày hôm đó, trại chúng tôi cũng cất được hai cái lán dài với 2 hàng giường ngủ được làm bằng tre đập dập trông cũng tươm tất ra phết, đủ để cho gần 800 người có chổ ngủ. Tuy nhiên, phần mái thì còn dở dang, nhưng có vẫn hơn là nằm dưới đất làm mồi cho bọn côn trùng, nhất là bọn vắt gớm ghiếc. Xong việc ở tổ "anh nuôi" tôi quay về tổ của mình, nhưng tôi không nhớ được những ai và người nào là tổ trưởng nên tôi trở lại tổ "anh nuôi" để ngủ. Anh tổ trưởng Thạch hứa sẽ xin nhận tôi vào tổ "anh nuôi". Đêm đó, chúng tôi cho những khúc gỗ lớn vào bếp để nấu nước uống chứ không cho mọi người uống nước sống nữa và cũng để giữ lửa cho buổi nấu cơm kế tiếp. Vì vậy, trong bếp lúc nào cũng ấm áp và ít muỗi hơn bên ngoài và cũng nhờ vậy, tôi không còn bị lạnh nữa, giấc ngủ cũng ít trằn trọc hơn.
      Vài ngày sau, khi việc cất trại đã tương đối hoàn chỉnh, gã giám đốc trại- đó là một người có tầm vóc thấp bé, gương mặt xương xẩu, khắc khổ và đặc biệt là khi nói hoặc cười, 2 hàm răng vẫn cắn chặt vào nhau. Dân gian thường nói rằng những loại người như thế rất hiễm ác và thực tế diễn ra sau nầy đã chứng minh những nhận xét trên là chính xác-đã tập hợp chúng tôi lại để phổ biến 2 nội dung: thứ nhất là chúng tôi có vàng bạc, tư trang, tài sản gì có giá trị thì đưa cho Ban giám đốc trại cất giữ hộ để ngừa tình trạng trộm cắp của nhau. Gã cam đoan sẽ làm biên nhận, trong đó ghi cụ thể từng món đồ và tên người gửi để sau nầy ra trại nhận lại. Tôi thuộc thành phần...vô sản nên không có gì để gửi mà phải suy nghĩ. Thứ hai là chúng tôi phải viết bản kê khai, trong đó ghi rõ tên, tuổi, đơn vị, cấp bậc, chức vụ và nhất là những thành tích đã đạt được trong thời gian tại ngũ như nhận được những huân, huy chương gì, trong trường hợp nào v.v...Gã nhấn mạnh nếu chúng tôi khai báo trung thực sẽ ưu tiên xét cho được phóng thích sớm. Tôi không tin miệng lưỡi bọn cộng sản vì mới vài ngày trước tại trường học ở Châu-Ổ, chúng đã lừa chúng tôi là đi học tập cải tạo chỉ có 2-3 ngày, nhưng bây giờ đã gần tuần lễ trôi qua rồi. Sau đó, chúng phát cho chúng tôi mỗi người một tờ giấy để kê khai. Tôi viết rất đơn giản vì thực sự, tôi mới từ quân trường ra và đây là chuyến hành quân xâm nhập đầu tiên của tôi nên chẳng có gì để viết. Ban đầu tôi tính ghi đại mình là lính trong một đơn vị bộ binh nào đó, nhưng tôi không biết những đơn vị bộ binh nào đóng quân ngoài miền Trung nầy, ghi lung tung không đúng có khi lại rước họa vào thân, thế là mình như thế nào thì ghi như thế ấy cho xong. Và có một sự may mắn là không một ai biết danh xưng Nha Kỹ Thuật mà tôi viết trong bản khai là loại lính gì. Nhiều người có thể nghe và kể vanh vách về biệt kích, về Lôi Hổ, về bóng ma biên giới với sự nễ phục mà không hề biết gì về Nha Kỹ Thuật. Họ nghĩ tôi chỉ là lính sửa chữa, lắp ráp máy móc gì đó. Thế càng tốt. Tôi thầm cám ơn vị chỉ huy nào đó đã nghĩ ra và đặt cho lực lượng một cái tên hết sức dễ thương đến vậy.
Ít ngày sau khi chúng tôi nộp bản tự khai, gã giám đốc lại tổ chức họp để thông báo kết quả, qua đó gã hết sức khen ngợi một anh Biệt Động quân trong trại, đã trung thực khai báo việc bắn cháy một chiếc T54, được thưởng 100 ngàn đồng cùng 15 ngày phép. Anh nầy sẽ được cứu xét cho về nhà sớm. Gã kêu anh ra trình diện cho mọi người biết mặt. Đó là một anh chàng khoảng ngoài 20 tuổi, cao tầm 1,7m, khá đẹp trai dù trải qua nhiều cực nhọc của đời tù binh vẫn toát lên nét hào hoa, tài tử. ( Đúng là chỉ vài ngày sau, anh ta được thoát khỏi kiếp tù binh, nhưng không phải bằng giấy phóng thích mà bằng 2 viên đạn vào người với lý do nữa đêm lén ra rẫy trộm khoai mì của đồng bào dân tộc bị phát hiện, bắn chết. Đó là cái chết đầu tiên của trại F7D). Cũng qua bản tự khai, gã cho biết có ý nghi ngờ nhiều người đã gian dối khi đi lính cầm súng chiến đấu đã lâu mà không có thành tích gì, không tham gia trận đánh nào và cũng không bắn được tên vc nào mà chỉ là binh nhất, binh nhì...là phi lý. Gã sẽ cho viết lại bản tự khai và ai khai không khớp với bản đầu tiên, chứng tỏ người đó khai man sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
      Sát cạnh hàng rào trại tù binh của chúng tôi là khu vực sinh hoạt riêng của khoảng một tiểu đội cộng sản có nhiệm vụ canh giữ chúng tôi, trong đó có 2 con " bộ đội cái" và hơn phân nữa trong số đó là thượng cộng. Chúng nấu nướng, ăn uống, ngủ nghỉ riêng và ngoại trừ tên giám đốc và tên chính trị viên thi thoảng bước qua hàng rào để thông báo gì đó, còn lại thì cứ im lặng như thóc và không hề có ý định muốn tiếp xúc với chúng tôi. Ngược lại, khi chúng tôi muốn ra ngoài hàng rào để làm gì đó, ngang qua chốt gác của chúng, anh em tù binh phải xin phép bọn gác và chỉ được đứng từ xa, hô lớn:" Báo cáo cán bộ, xin cho tôi được......" khi nào thằng gác đồng ý mới được đi ra ngoài.
    Không thể không nói đến một việc nữa cũng làm tổn hại đến sức khỏe của anh em tù binh rất nhiều, đó là vấn đề bài tiết. Chúng tôi phải đào một cái hố sâu khoảng 3m, ngang chừng 4m, rồi bắc 2-3 cây gỗ ngang qua để làm chổ ngồi. Thời gian đầu thì không có gì đáng nói, nhưng về sau khi phân nhiều lên phát sinh hôi thối và ruồi nhặng vô số, chỉ đến gần thôi đã muốn ngạt thở và rùng mình khi thấy đám ruồi nhặng bay đen kịt kêu vù vù và cứ bu vào người ngồi trên, còn phía dưới thì dòi bọ lúc nhúc và hơi nóng bốc lên hừng hực cay xé mắt. Sau, có số anh em không chịu nỗi bầu không khí nơi xú uế nầy nên xin ra suối để giải quyết, nhưng tên chính trị viên nghiêm khắc không cho với lý do con suối nầy được nhiều buôn làng đồng bào dân tộc và các trại tù binh khác phía dưới sử dụng nấu nướng, ăn uống, tắm giặt...nên phải giữ vệ sinh chung, nếu bài tiết ngoài suối là gây ô nhiễm, có thể lây truyền dịch bệnh cho mọi người và ai cố tình vi phạm sẽ bị xử lý với tội danh đầu độc cộng đồng. Vì vậy, dù rất sợ mỗi khi đi vệ sinh, nhưng cái tội danh kia còn đáng sợ hơn bội phần nên anh em chỉ biết nghiến răng mà chịu đựng và hậu quả là phần lớn anh em đều bị lở loét. Riêng tổ "anh nuôi" của tôi thì kết thúc ngày làm việc muộn hơn nên chúng tôi tắm giặt lúc trời cũng khá tối. Mỗi lần tắm là chúng tôi tranh thủ giải quyết luôn nỗi buồn. Ở tổ "anh nuôi" thì không lo bị đói, nhưng chúng tôi phải đón nhận một cực hình khác, đó là lúc nào cũng chỉ có cơm với nước mắm cái, đến nỗi khi nghe mùi mắm cái là chúng tôi cứ như mấy bà bị ốm nghén, chỉ muốn nôn ói. Ngược lại, mấy anh em tổ khác ra ngoài lao động, dù chỉ mỗi cục cơm vắt cho bữa ăn rất thiếu thốn, nhất là với số tù binh thanh niên, nhưng họ có thể kiếm thêm rau rừng, lá các loại cây ăn được, hoặc bắt rắn rít, cóc nhái, chuột bọ gì đó để ăn thêm cho đỡ đói. Nhưng, mãi rồi xung quanh cũng không còn gì để mà hái, mà bắt, mà lượm nữa. Đói! Thật khủng khiếp khi ăn không đủ no, thiếu cả lượng lẫn chất trong khi phải lao động nặng nhọc như cuốc đất trồng khoai mì, cõng gạo từ kho nầy sang kho khác phục vụ hậu cần cho cộng sản thì bệnh tật là hệ quả tất yếu. Tôi đã chứng kiến một anh bị bệnh thủng, ban đầu thấy anh mập lên nên tôi nghĩ rằng anh "chịu" cơm cộng sản, nhưng sau đó, da thịt anh bắt đầu nứt nẻ, máu và nước vàng ri rỉ chảy ra từ những khe nứt ấy, sau đó xuất hiện dòi. Lúc ấy, anh không còn đi đứng gì được nữa mà chỉ ngồi một chổ dùng cọng cỏ khều mấy con dòi cho rơi ra ngoài. Ít sau anh chết. Đó là cái chết thứ 2 ở trại F7D. Về sau, lâu lâu chúng tôi lại nghe thêm nhiều cái chết nữa. Nào là đi ăn cắp lương thực của đồng bào dân tộc bị giết chết, nào là trốn trại bị bắn chết v.v...Là người lính thì chuyện sống, chết là bình thường, nhưng chết nhục nhã, đau khổ và vô ích như những người tù binh chúng tôi thì thật là xót xa. Người thân của họ sẽ không bao giờ biết được họ đã vùi thân ở nơi thâm sơn cùng cốc nầy để đến viếng, thắp cho họ nén nhang an ủi.....


12/19/2016
 Có lần, tổ "anh nuôi" chúng tôi được giao nhiệm vụ đi theo để lo cơm nước cho số anh em trong trại cải tạo phải đi chuyển gạo từ kho nầy sang kho khác phục vụ cho các cánh quân cộng sản đang rầm rộ kéo vào đánh chiếm miền Nam. Việc nầy trước đây thuộc về các lực lượng dân công hỏa tuyến hay thanh niên xung phong đảm nhận, nay chúng bắt anh em tù binh gánh vác. Thật là một ý đồ hết sức thâm độc khi dùng người của VNCH phục vụ cho chúng để đánh người của VNCH. Tổ "anh nuôi" có 6 người được chia làm 2, phân nữa ở lại trại, phân nữa theo anh em chuyển gạo. Anh tổ trưởng Thạch chọn tôi và người nữa đi cùng. Chúng tôi chặt một cái cây dài rồi treo chảo, nồi, xô đựng mắm cái, muối hột...cho lên vai gánh đi. Còn anh em thì mỗi người tự mang theo 2 lon gạo cho một ngày đường và tấm nylon đi mưa. Đến kho, mỗi người phải mang một bao gạo khoảng 50 kg vận chuyển đến kho khác theo yêu cầu của bọn cộng sản. Xui xẻo là trên đường cõng gạo đi thì trời đổ mưa, anh em lấy tấm nylon che gạo lại cho khỏi bị ướt, nhưng đường rừng núi sình lầy trơn trượt, anh em đi lại rất khó khăn, vất vả. Vì vậy, tốc độ di chuyển rất chậm, có người đi không muốn nổi, phải dừng lại nghỉ mệt nhiều lần. Bọn thượng cộng thấy vậy thay vì có hành động gì giúp đỡ hoặc thông cảm, lại to tiếng quát nạt và có lúc chúng dùng báng súng đánh vào những người khốn khổ đang hết sức mệt nhọc ấy. Những anh em khác vội tìm cách san sẻ mỗi người một ít để bớt trọng lượng cho số anh em bị kiệt sức. Sau bữa cơm chiều, anh em phản ứng với tên chính trị viên về thái độ bất nhân của bọn thượng cộng. Lúc ấy, tên chính trị viên lên tiếng an ủi và biện bạch là do bất đồng ngôn ngữ nên mới xảy ra chuyện đáng tiếc. Hắn nói mong anh em thông cảm và sẽ uốn nắn lại bọn thượng cộng. Nhưng khi đêm đã khuya, lúc mọi người đã ngủ thì tên chính trị viên kêu bọn thượng cộng ra một nơi cách xa đám đông anh em tù binh đang ngủ mà hắn không để ý là lại khá gần tổ "anh nuôi" của chúng tôi, hắn nói bằng tiếng kinh tức tiếng Việt với bọn thượng cộng là nên cảnh giác vì anh em tù binh có thể sẽ có hành động quyết liệt hơn với bọn chúng và hãy trừng trị những kẻ có ý đồ gây náo loạn, tức là được quyền nổ súng tiêu diệt vài người để răn đe. Trời xui đất khiến thế nào tôi lại thức dậy lúc bọn chúng nói chuyện và nghe không sót một lời nào của tên chính trị viên. Tôi cố gắng nằm im không nhúc nhích giả vờ như đang ngủ say dù đã cảm thấy lạnh và tê mỏi muốn trở mình. Không biết mấy anh em khác của tổ "anh nuôi" có nghe được tên chính trị viên nói không, hay họ cũng như tôi cố nằm im vì tôi không thấy một ai nhúc nhích, cựa quậy gì cả. Khi bọn chúng đi rồi, tôi nằm miên man suy nghĩ: Làm thế nào cho anh em biết điều nầy ngay vào sáng mai để anh em cẩn thận, đề phòng. Mặt khác, tôi cũng nghĩ rằng chỉ mới chưa đầy một tháng kể từ khi cải tạo đến nay, chúng tôi đã rất thấm thía về cái gọi là ngục tù cộng sản nên nếu sau nầy có dịp trở lại chiến đấu, hẳn mọi người sẽ hết lòng, hết dạ phục vụ cho đất nước, cho chính thể VNCH. Nhưng, sáng hôm sau trời quang, mây tạnh, đường xá bớt lầy lội, trơn trượt và chúng tôi cũng đã lấy đi cả trăm ký gạo để nấu 2 bữa cơm cho anh em nên cũng làm giảm bớt phần nào khối lượng gạo. Nhờ thế, anh em cõng cũng nhẹ bớt đi, vì vậy hôm đó đã không xảy ra chuyện gì đáng tiếc.
    Dù ở trong trại tù thiếu thốn đủ mọi phương diện,nhưng chúng tôi vẫn biết được tình hình chiến sự bên ngoài vì bọn cộng sản Bắc Việt cũng luôn theo dõi tin tức tiến quân của chúng qua radio mà chúng gọi là cái đài. Cứ vài hôm, tên giám đốc hoặc tên chính trị viên qua trại thông báo quân "giải phóng" đã tiến chiếm được đến đâu. Tôi hết sức ngạc nhiên xen lẫn nỗi thất vọng trước sự rệu rã của VNCH. Đâu rồi sự ngoan cường, anh dũng của những Thiên Thần mũ đỏ, những tia chớp nhiệt đới, sét miền Tây v.v...và lòng tôi lại khấp khởi niềm hy vọng khi nghe bọn chúng bị chận lại ở Bình-Tuy, Rừng-Lá sau khi nếm 2 trái CBU 558. Nhưng, sau đó niềm hy vọng chỉ loé lên tích tắc rồi tắt ngấm hoàn toàn.
Đến gần ngày 30 tháng 4 định mệnh, tên giám đốc trại đổi nhóm khác vào làm tổ "anh nuôi", còn chúng tôi ra ngoài lao động và học chính trị. Thời gian học chính trị thì không phải đi lao động. Cả trại luân phiên nhau, mỗi đợt sẽ có 3 tổ học, các tổ còn lại vẫn tiếp tục đi chuyển gạo hay trồng khoai mì. Chúng bắt anh em tù binh học 7 bài đại ý ca ngợi về công cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc của chúng và lên án sự xâm lược của đế quốc Mỹ cũng như chính thể miền Nam VN là bù nhìn, là tay sai, là rước voi, cưỡi voi gì gì đó v.v...mà tôi nghe buồn ngủ chết được. Vì vậy, mỗi khi ra bãi đất trống dùng làm "lớp học" thì tôi luôn chọn ngồi phía sau cùng để ít bị chú ý. Nhưng, phải thành thực công nhận bọn cộng sản rất hiệu quả trong việc tuyên truyền. Chúng bắt chúng tôi phải làm bản "thu hoạch" sau mỗi bài học để theo dõi xem có người nào không chú ý hoặc không hiểu bài không? Không làm được bài ư? Học tiếp đến khi nắm chắc thì thôi. Đó chính là điều khiến tôi hết sức bực bội. Chúng xem bọn tôi như những học sinh tiểu học không bằng. Tôi chua chát và phẫn nộ khi nghĩ rằng mình phải chiến đấu và chịu thua truớc một đối thủ hết sức ấu trĩ, tầm thường đến thế.
  Và cái ngày đau thương ấy cũng đến. Lúc đang nghỉ trưa ngoài "lớp học", tên giám đốc trại với gương mặt hớn hở cùng với 2 thằng thượng cộng mang súng AK, nhanh nhẩu đi đến thông báo cho chúng tôi biết tin Dương Văn Minh được thay làm Tổng Thống VNCH đã tuyên bố đầu hàng. Mọi người nhảy nhót, hò reo, hoan hô vang dội rồi nắm tay nhau cùng hát bài "Nối vòng tay lớn" của Trịnh Công Sơn. Riêng tôi nghe buốt nhói trong tim, một cái gì hết sức thiêng liêng đã tan vỡ. Trong lúc anh em vui mừng thì tôi lặng lẽ cúi đầu vào giữa 2 đầu gối để dấu những dòng nước mắt trào ra từ sâu thẫm nỗi đau đớn của một lý tưởng đã trở thành ảo ảnh. Từ lúc đó, có lẽ mọi người tràn trề hy vọng ngày đoàn tụ với gia đình sẽ không xa nên hình như họ có vẻ xăng xái hơn hay họ đã dần  thích nghi với công việc và kiếp sống của tù binh mà nỗ lực hơn, tôi cũng không biết nữa? Còn tôi thì ngày càng trầm lặng, càng rút sâu vào cái thế giới của mình nhiều hơn. Đôi lúc tôi cũng cố gắng tự an ủi rằng mình chẳng là cái gì của xã hội, chỉ là một thằng tân binh trong quân lực VNCH. Thôi thì, thua keo nầy bày keo khác. Với tuổi đời hãy còn trẻ, tôi sẽ đi học trở lại, sẽ gặp lại những bạn bè xưa, sẽ yêu một ai đó rồi sẽ lập gia đình...nhưng tôi không thể huyễn hoặc, lừa dối mình khi đối mặt với sự thật về một điều mà vì nó tôi đã bỏ ngang việc học hành, đành đoạn dứt áo ra đi để người mẹ thân yêu của tôi phải đau đớn vì xa rời đứa con ương bướng, nhưng là nguồn hy vọng của bà. Điều đó to tát hơn, vĩ đại hơn tất cả những cái vụn vặt kia gộp lại!
    Hồi mới ra lao động, tôi chơi khá thân với một anh tên Khương, cũng đã ngoài 30 tuổi, quê Tây-Ninh, lính bộ binh đóng quân và bị bắt tại Quảng-Ngãi. Anh thường cất tiếng hát vào mỗi tối khi cả trại đã lên giường và chỉ hát độc nhất bài "Lạnh trọn đêm mưa". Sau một ngày lao động mệt nhọc mà nghe "nhạc sống" thì cũng an ủi hơn là nghe mấy thằng thượng cộng lảm nhảm mấy bài "Tiến về Sài Gòn" hoặc "Xuống đường" chán còn hơn...mùi mắm cái. Anh có chất giọng rất truyền cảm và hình như anh gửi tâm tư, tình cảm, nỗi niềm của mình vào từng lời, từng chữ nên mỗi khi anh trỗi giọng lên thì cả trại im phăng phắc để lắng nghe. Ban đầu anh hát nho nhỏ chỉ vài người nằm cạnh mới nghe được vì tên chính trị viên đã cảnh báo chúng tôi không được chửi thề đụ má, đụ mẹ...mà theo chúng thì đó là đồ mất dạy, thua cả súc vật khi lăng nhục người đã dứt ruột đẻ ra mình (trong khi bọn chúng lại ném vào mặt nhau những tiếng địt mẹ, tiên sư bố chúng mầy v.v...Sau nầy, anh em tù binh chúng tôi cũng bắt chước thay tiếng chửi thề của miền Nam bằng tiếng địa phương miền Bắc làm chúng cay cú lắm, nhưng không làm gì anh em được). Kế đến là không được hát nhạc "vàng" của VNCH vì đó là thứ nhạc ủy mị, rên rỉ không thể nào chấp nhận được dưới chế độ mới. Nhưng trong cái tỉnh mịch của rừng già về đêm, tiếng hát của anh nghe da diết làm sao, từng câu chữ trong bài hát như xoáy vào tận cùng nỗi khắc khoải của mỗi con người. Hoá ra, âm nhạc thực thụ có sức mạnh ghê gớm đủ để xoá nhoà mọi ranh giới, mọi định kiến, mọi bất hoà, xung đột, mọi giai tầng, mọi tôn giáo, mọi chủng tộc...Không những chỉ anh em tù binh mới im lặng nghe anh hát mà bọn cán binh cộng sản và nhất là bọn thượng cộng-là những kẻ chỉ biết vâng lời một cách mù quáng, hình như đã quên mất những giáo điều khô cứng được lập trình trong đầu óc chúng từ trước đó nên chúng cũng lắng nghe mà không hề phản đối hay tìm cách ngăn cản. Có lẽ, đây là lần đầu tiên chúng được nghe, hay đúng hơn là được đón nhận những âm thanh, những vần điệu hay đến thế, bay bổng đến thế và giống như những chú cừu non, chúng bắt đầu khám phá thế giới rộng lớn xung quanh với đôi mắt ngơ ngác và hiếu kỳ. Thật bất ngờ và kỳ diệu hơn là sau nầy, rất ít khi tôi nghe bọn thượng cộng ư ử mấy bài nhạc "đỏ" của chúng nữa. Có lần tôi hỏi anh sao không hát bài nào khác cho tươi tắn hơn, nhưng anh chỉ mỉm cười không trả lời, thấy vậy tôi cũng không hỏi thêm....


12/22/2016 
 Lúc còn ở tổ "anh nuôi", tôi thường ở trần để làm những công việc trong nhà bếp như xách nước, đong gạo, xới cơm v.v...nên chiếc áo cũ kiếm được trên đường tìm về Sài Gòn rất ít khi tôi đụng đến, vì vậy, nó vẫn còn gần như nguyên hình dạng lúc tôi mới  lấy từ trong căn nhà trống của một người dân nào đó. Sau nầy,  khi chuyển qua tổ khác đi lao động bên ngoài, tôi cũng như những anh em khác phải thường xuyên mặc áo để chống nắng, chống côn trùng đốt, cắn và giữ ấm cho cơ thể về đêm..Vì chỉ có mỗi bộ quần áo cũ mà lại mặc suốt hết ngày này qua ngày khác liên tục hơn tháng ròng, chỉ khi nào dơ bẩn, hôi hám quá tôi mới phải đem giặt mà cũng phải tranh thủ giặt xong đem vào nhà bếp hơ cho nhanh khô để có mặc tiếp nên bộ quần áo của tôi nhanh chóng rách nát. Một số anh em khác cũng lâm vào tình trạng như tôi. Chẳng còn cách nào khác, chúng tôi gặp trực tiếp tên giám đốc trại F7D kiến nghị phát cho chúng tôi quần áo để mặc vì chúng tôi lập luận rằng mình cần phải giữ cho cơ thể trong tình trạng tốt nhất để có thể lao động với năng suất cao nhất và một phần khác cũng quan trọng không kém là chúng tôi cũng rất e ngại khi trong trại có mặt 2 phụ nữ trong đội ngũ cán binh Bắc Việt. Cũng may là kiến nghị của chúng tôi được chúng chấp thuận và chúng tôi được phát mỗi người một bộ quần áo loại dính liền màu trắng mà ta hay gọi là đồ người nhái của VNCH. Bộ đồ nầy khá dầy nên mặc để ngủ thì thích hợp, nhưng khi lao động thì quả là cực hình vì nó vô cùng bí bách, nóng nực. Tệ hại nhất là lúc đi vệ sinh, chúng tôi phải lột tuột ra hết mới có thể giải quyết được nhu cầu. Có anh em thấy việc mặc đồ như vậy khá bất tiện nên xé làm 2 phần riêng biệt, áo không còn dính chung với quần, nhưng như vậy lại vướng phải vấn đề khác là quần không có dây thắt lưng nên thường bị tuột. Quả là họa vô đơn chí! Về sau, có anh lại nghĩ ra cách khắc phục tình trạng quần tuột là xé phần lưng quần thành sợi rồi cột lại với nhau, thế là có thể an tâm làm bất cứ việc gì mà không lo bị cái quần phản phé.
            Hồi còn ở nhà, mỗi bữa ăn của tôi phải đến một lít gạo, tương đương 10 chén cơm, chưa kể thức ăn. Khi nhập ngũ, tôi thường ăn một nón sắt đầy cơm mới no. Trong trại cải tạo, khẩu phần ăn bị giảm xuống chỉ còn một phần ba, lại không có thức ăn gì bù đắp trong khi phải lao động hết sức nhọc nhằn kéo dài nên tôi nhanh chóng bị suy kiệt. Tôi thường bị mệt và mất sức rất nhanh khi làm bất kỳ công việc gì. Lúc nào tôi cũng thấy đói. Đói đến hoa mắt, tay chân như không có sức. Khi đi trồng khoai mì gần rẫy đồng bào dân tộc, tôi thường phải xin họ khi thì củ khoai, lúc là trái bí rồi cứ thế nhai sống cho đỡ đói, nhưng xin mãi cũng kỳ, với lại đồng bào cũng không dư dật gì mà cho mãi nên tôi cũng len lén hái hoặc moi trộm dù biết rằng đó là hành vi xấu xa và nếu bị phát hiện thì...Đã có những cái chết trước đó cảnh báo về tình trạng anh em tù binh trộm cắp của đồng bào dân tộc, nhưng tôi đói kinh khủng khiếp.
    Vào một tối, tôi không thể nào dỗ giấc ngủ được mà cứ lăn qua lộn lại mãi trong khi bụng thì liên tục sôi, tôi chợt loé lên một suy nghĩ và đó là suy nghĩ vô cùng táo bạo mà tôi dám khẳng định sẽ không có một người tù binh nào từ trước đó và đến sau nầy dám bắt tay thực hiện. Đó là trộm gạo ngay chính trong nhà kho của bọn canh giữ tù. Sở dĩ tôi nghĩ đ        Nguyên nhân đưa tôi đến suy nghĩ nầy là khi còn ở tổ "anh nuôi" tôi cũng thường qua kho của bọn chúng để nhận gạo về nấu, nên tôi nắm được quy luật về giờ giấc và đường đi nước bước trong kho gạo. Cửa rào và cửa kho gạo không có khoá mà chỉ đóng rồi cột dây cho khỏi bung ra mà thôi.
Bọn cán binh thì sau bữa cơm chiều là chúng rút về chổ ngủ, họa hoằn lắm mới xuống nhà bếp mà kho gạo đuợc ngăn cách với nhà bếp bằng một tấm vách, chỉ khi nào cần đong gạo mới có người, còn ngoài lúc đó thì không có ai. Vấn đề là làm sao từ ngoài sân đi vào nhà kho mà không bị phát hiện?    Sở dĩ tôi nghĩ việc trộm gạo từ trong kho của trại là vì trước hết lúc đó tôi quá đói, kế đến là tôi khá tự tin và liều mạng khi nghĩ rằng nếu bị bắt gặp tại kho cùng lắm tôi chỉ bị đánh, bị bỏ đói vài ngày chứ không thể bị bắn chết dù đã có những cái chết trước đó với lý do ăn trộm, nhưng tôi nghi ngờ điều đó. Phải có điều gì khác lớn hơn là chỉ vì mấy củ khoai, trái bí mà anh em tù binh bị bắn chết, nhất là đồng bào dân tộc làm gì có loại vũ khí hiện đại như AK47? Lý do duy nhất mà tôi nghĩ họ bị bắn chết là sự trả thù cho những thiệt hại mà những anh em nầy đã gây ra cho bọn cộng sản khi còn phục vụ trong quân đội VNCH, được che dấu bởi những lý do hết sức nhảm nhí- ăn trộm hay trốn trại!

Khi còn ở tổ "anh nuôi" tôi thường qua kho của bọn chúng để nhận gạo về nấu, nên tôi nắm được quy luật về giờ giấc và đường đi nước bước trong kho gạo. Cửa rào và cửa kho gạo không có khoá mà chỉ đóng rồi cột dây cho khỏi bung ra mà thôi.
Bọn cán binh thì sau bữa cơm chiều là chúng rút về chổ ngủ, họa hoằn lắm mới xuống nhà bếp mà kho gạo được ngăn cách với nhà bếp bằng một tấm vách, chỉ khi nào cần đong gạo mới có người, còn ngoài lúc đó thì không có ai. Vấn đề là làm sao từ ngoài sân đi vào nhà kho mà không bị phát hiện? Tôi cố suy nghĩ làm cách nào để che bộ quần áo trắng của tôi cho khỏi nổi bật trong bóng đêm. Cuối cùng tôi quyết định mượn chiếc áo Jacket của một người tù binh khác, nằm cách chổ tôi vài người, tên anh ta là Trần Đại. Đó là một người lính thuộc binh chủng Biệt-Động-Quân, khoảng ngoài 30 tuổi, quê Quảng-Ngãi. Khi nghe tôi hỏi mượn áo, anh ta hỏi lại tôi để làm gì? Không trả lời thẳng câu hỏi của anh ta, tôi ỡm ờ:
  - Anh có đói không? Tôi đi kiếm gạo nấu cơm ăn.
  - Ở đâu có mà mầy kiếm? Mầy tính đi chôm hả?
  Không biết trả lời thế nào cho hợp lý, tôi đành gật đầu. Bấy giờ anh ta hạ thấp giọng thì thào hỏi


12/24/2016
- Mầy tính chôm gạo của tụi nó hả?
Câu hỏi thừa vì ngoài "tụi nó" ra thì anh em tù binh làm gì có gạo mà trộm. Bực mình vì bị hỏi lung tung mất thời gian, tôi hỏi cộc lốc:
- Anh có cho mượn không mà hỏi hoài vậy?
Vừa cởi áo đưa tôi, Đại vừa đe:
- Một chút không có là mầy chết với tao.
Khoác vội chiếc áo Jacket vào người xong tôi xắn quần nhái lên cao tới háng để không bị lộ phần màu trắng ra ngoài và lấy cái bao thường dùng đựng cát xếp lại gọn gàng cho vào túi áo Jacket rồi đi về phía nhà kho. Không có ai vì thường ăn cơm chiều xong là mọi người đều lên giường nghỉ để duỡng sức hầu mai tiếp tục lao động. Tuy vậy, tôi vẫn chuẩn bị sẵn câu trả lời nếu bất chợt gặp một ai đó hỏi tại sao đi đâu giờ nầy thì tôi sẽ nói là bị đau bụng, nhức đầu gì đó phải đi gặp lãnh đạo trại để xin thuốc uống. Tôi mở dây cột cổng rào rồi bước nhanh về phía cửa kho gạo. Đến nơi, tôi gấp rút mở dây cột cửa, nhưng tôi hơi ngạc nhiên là cửa kho gạo không được cột lại như thường lệ. Tôi lách vội vào trong rồi mò mẫm đi về hướng cái bồ đựng gạo, nó nằm sát vách nhà bếp của tụi cán binh quản lý trại. Nhưng tôi chợt rụng rời khi phát hiện thấy ánh sáng lọt qua mấy khe hở của tấm vách ngăn và tiếng xì xầm nói chuyện của ít nhất 2 người có cả nam lẫn nữ, phát ra từ phía nhà bếp. Đây là một tình huống ngoài dự đoán của tôi. Tôi phân vân không biết xử lý như thế nào lúc đó. Bất đắc dĩ tôi phải lắng nghe chúng nói với nhau những gì để có thể tính tiếp. Thì ra bọn chúng đang nhổ lông vịt để nấu cháo. Tôi kinh hoàng khi nhớ là cái cửa kho không được cột lại. Có nghĩa là bọn chúng sẽ trở lại nhà kho để lấy gạo về nấu cháo. Hoặc, nếu đã lấy gạo rồi nhưng chúng nhớ chưa cột cửa mà quay lại cột vào thì tôi sẽ bị nhốt trong kho gạo cho tới sáng hôm sau đến khi có người đi lãnh gạo. Lúc đó tôi chết chắc. Nghĩ tới thảm cảnh đó, tôi muốn tháo lui, nhưng lại thấy tiếc vì đã vào được đến đây, gạo đang trong tầm tay mà bỏ đi thì không đành. Thế là tôi quyết định sẽ trộm một ít gạo rồi rút lui cũng được. Tôi mở cái bao đựng cát ra mà nghe tiếng sột soạt vang lồng lộng. Tôi thầm cầu khẩn tất cả những vị thần thánh nào mà tôi nhớ tên xin giúp tôi tai qua nạn khỏi trong vụ nầy. Mở bao ra rồi, tôi không dùng cái thau để múc gạo mà dùng tay lùa gạo vào bao. Dù rất chậm rãi và nhẹ nhàng, nhưng sao tôi vẫn nghe âm thanh vang dội theo từng động tác của mình. Tôi bèn canh lúc bọn nhổ lông vịt nói chuyện thì lùa gạo vào bao với hy vọng tiếng nói chuyện sẽ át tiếng khua phát ra từ động tác của tôi. Được gần nữa bao, tôi túm miệng bao lại xách lên. Tôi không thể lấy đầy bao vì như thế sẽ rất nặng và cồng kềnh không thể cất dấu khi đi ra ngoài mà chẳng may gặp phải ai đó. Với lại, tôi không đủ can đảm nán lại trong kho để hốt thêm được nữa. Lúc đi đến gần cửa kho, tôi vô cùng hồi hộp vì không biết cửa có bị cột lại chưa? Hoặc vừa mở cửa ra mà gặp tụi cán binh đứng lù lù trước cửa thì kể như tất cả mọi cố gắng của tôi từ đầu hôm đến giờ đều vô nghĩa. Tôi đẩy nhẹ cửa, chưa bị cột, tôi thở phào rồi nhìn ra ngoài, không có ai. Tôi bước nhanh ra ngoài đóng cửa lại như cũ rồi đi về phía cổng rào. Chỉ cách khoảng chục mét thôi mà sao tôi thấy xa vời vợi. Đây là khu vực của bọn quản lý trại tù, anh em tù binh không được quyền qua lại trừ mấy người tổ "anh nuôi" lúc đi nhận gạo về nấu cơm. Nỗi sợ thúc giục tôi hãy chạy nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm, nhưng lý trí vẫn bảo tôi hãy cố gắng bình tĩnh vì chỉ cần một sơ suất nhỏ làm người khác chú ý là sẽ trả giá đắt và tôi đã hành động theo lý trí. Khi băng qua cổng rào, tôi như đã trút bỏ được gánh nặng ngàn cân treo trong tim từ lúc bước chân vào ranh giới giữa trại tù và bọn quản lý, nó giống như ranh giới giữa sự sống và cái chết.
      Về đến chổ ngủ của mình, tôi thấy Đại đang ngồi bó gối chờ tôi. Đưa bao gạo cho Đại đem dấu, tôi nghe Đại thì thầm bên tai:
  - Đ.M. Tao sợ cho mầy gần chết.
  - Anh kiếm cái lon, cái hộp gì đó nấu miếng cơm ăn đi. Tôi cũng sợ chết mẹ. Tụi nó nhổ lông vịt trong bếp. May mà nó không biết.
  - Ừ! Tao thấy tụi nó đi ra, đi vô. Bởi vậy tao mới sợ cho mầy.
Nói xong, Đại lấy chiếc áo Jacket mà tôi vừa trả đem che bao gạo lại rồi xách đi về phía nhà bếp. Lúc nằm nghỉ chờ cơm, tôi nhớ lại sự việc mà kinh sợ xen lẫn một chút tự hào. Không biết mấy vị thần thánh gì đó có nghe lời cầu khẩn hết sức thành kính của tôi mà ra sức che chở hay số phận của tôi chưa hết mà tôi đã luớt qua hiểm nguy một cách kỳ diệu. Lát sau, Đại mang lên một cái lon đựng cơm, 2 đứa âm thầm bốc ăn mà không ai nói với ai tiếng nào nữa. Đêm đó, tôi không thể ngủ ngon giấc vì nỗi ám ảnh của hành động đã qua.
  Tối hôm sau, tôi kêu Đại lấy gạo ra nấu cơm ăn vì chúng tôi không thể nấu ban ngày sẽ có nhiều người biết, nhưng Đại cho biết tối qua lúc lấy gạo để nấu cơm xong đem dấu, nhưng không biết ai đã lấy mất rồi. Tôi tức giận vô cùng. Bao nhiêu công sức, bao nhiêu hiểm nguy mình phải chịu đựng rốt cuộc lại chỉ có được một bữa ăn, còn người khác ở không hưởng lợi. Tôi nghi ngờ Đại đã không thành thực, nhưng tôi không thể làm gì khác được. Tôi tự an ủi là số gạo mà tôi trộm được thật sự cũng không nhiều lắm, chưa đầy nữa bao đựng cát thì cũng chỉ ăn được vài ngày, sau đó sẽ tiếp tục trở lại tình trạng đói mà thôi. Nhờ suy nghĩ theo chiều hướng vậy nên tôi cũng nguôi ngoai đi nhiều....


12/25/2016
Một buổi sáng cuối tháng 5/75, tức sau ngày giải phóng khoảng một tháng, tên giám đốc trại F7D cho họp toàn thể anh em tù binh lại để thông báo ban giám đốc trại sẽ tổ chức phóng thích cho những anh em nào đạt "thành tích" trong việc thành khẩn khai báo, ít có "nợ máu với nhân dân" và trải qua quá trình học tập cải tạo có tiến bộ...sẽ được trả về sum họp với gia đình. Lẽ ra khi đón nhận nguồn tin như thế, mọi người sẽ vui mừng mới phải. Nhưng, tôi thấy ai nấy cũng dửng dưng tỏ vẻ không quan tâm. Có thể họ đã quá mệt mỏi hoặc tệ hơn là không còn tin vào cộng sản nên những lời nói của tên giám đốc trại không đủ sức thuyết phục họ được nữa. Tôi nghĩ mình sẽ có tên trong đợt nầy nếu thật sự có phóng thích, vì tôi đâu có gì để viết trong bản khai. Nhưng, có lẽ chúng ghét tôi tình nguyện gia nhập quân đội năm 17 tuổi hay sao ấy mà trong danh sách mấy chục người không có tên của tôi. Khi số người nầy rời khỏi trại, không ai nói lời từ biệt cũng không ai thốt lên hẹn gặp lại gì cả. Đơn giản là không ai biết được điều gì chờ đợi mình ở phía trước. Vì vậy, tôi cũng như nhiều anh em tù binh khác vẫn chẳng thấy buồn lo hay trăn trở gì. Chúng tôi vẫn một ngày như mọi ngày, chỉ có điều trong trại trở nên vắng vẻ hơn, ảm đạm hơn so với lúc mới được lập.
        Trong điều kiện ăn ở, sinh hoạt thiếu thốn và mất vệ sinh như trong trại tù, chúng tôi đều bị rận. Đó là những con vật nhỏ li ti hình dáng giống hệt con chí (chấy) nhưng có mầu trắng sống bám vào quần áo để hút máu. Thế là chúng tôi có thêm việc làm sau những giờ lao động là bắt rận để giết thời gian. Nói đến rận cũng phải nhắc đến chí ( chấy) cho đủ cặp. Nhiều tháng liền không cắt tóc, gội đầu nên mỗi lần gãi đầu là chắc chắn sẽ rớt ra vài con. Chúng tôi nhìn giống con vật gì đó hơn là giống người với đầu tóc bờm xờm, da dẻ xanh xao, thân hình ốm yếu, tiền tụy, hốc hác...nếu người nhà có gặp cũng chưa chắc nhận ra. Nhưng, đó chưa phải là nỗi thống khổ nhất cho đến khi vào một ngày, tôi bổng nhận ta mình bị ghẻ ngứa, lúc đầu chỉ ở những vùng da non rồi lan dần khắp người theo những cái gãi của tôi. Bộ áo liền quần của tôi từ mầu trắng ban đầu đã biến thành lốm đốm đủ mầu do bùn đất, do mồ hôi và máu mủ mà thành. Bây giờ, nó đã dầy lên và cứng còng như một cái áo giáp vì nước vàng từ những đám ghẻ chảy ra rồi từ từ khô lại. Tôi hết sức đau đớn mỗi khi cử động nên không thể đi lao động được nữa. Tôi nằm một chổ riêng biệt và nhớ đến anh chàng bị bệnh phù thủng lúc trước. Có lẽ tôi cũng sắp chết như anh ấy. Mỗi ngày tôi đều nhìn vào mớ máu mủ trong người để xem có dòi không? Tôi hối hận vì đã làm mẹ mình đau buồn. Nếu tôi có bỏ mạng nơi đây hẳn là tôi sẽ tìm về bên mẹ mong bà tha thứ cho sự bướng bĩnh của mình.
              Nhưng, số tôi chưa tận vì sau đó một tháng kể từ đợt phóng thích đầu tiên, trại F7D lại tổ chức phóng thích đợt hai. Lần nầy có tên của tôi. Khi cầm tờ giấy phóng thích trên tay, tôi mừng cho mình nhưng lại buồn cho những anh em còn ở lại. Không biết họ có sống nỗi đến đợt phóng thích sau không? Cũng như lần trước, không có lời từ biệt, không câu hò hẹn nào được thốt lên. Rồi chúng tôi lũ lượt kéo nhau đi, nhưng tôi không thể đi nhanh như cái lần rời chùa tỉnh hội Đà-Nẵng tìm về Sài-Gòn giống lúc trước được nữa. Giờ đây, tôi chỉ còn là một bộ xương biết cử động. Nhìn những anh em thoăn thoắt trên đường, tôi không hiểu họ lấy đâu ra sức lực để đi được như thế? Rất may là tôi không phải đi một mình mà có thêm một người bạn đồng hành. Đó là một người lính già cũng không đủ sức bám theo đám người trẻ kia nên chúng tôi cùng chậm chạp kè nhau xuống núi. Phải nói là nếu không nhờ có anh, tôi không biết đường nào đi mà giữa rừng núi đâu có ai để hỏi thăm. Chúng tôi ngủ lại nhà dân ven đường một đêm rồi xuống tới Quảng-Ngãi. Sau nhiều tháng trời sống trong rừng sâu núi thẫm, hôm nay mới được dịp nhìn lại phố thị. Không biết Quảng-Ngãi trước đây như thế nào chứ hiện tại tôi thấy nó cũng không được náo nhiệt cho lắm. Có thể tôi đã quen với sự nhộn nhịp, tất bật của Sài-Gòn và Đà-Nẵng chăng? Hay cuộc sống sau giải phóng là như thế? Điêu tàn và thiếu sinh khí.
Chúng tôi tìm đến bến xe Quảng-Ngãi để xin quá giang về Sài-Gòn. Một anh chàng chắc là trưởng bến lên tiếng trách chúng tôi ham chơi, la cà đâu đó nên giờ mới mò tới bến xe để xin về. Anh ta nói hôm qua đã bố trí cho hai chiếc xe đò đưa số anh em cải tạo đi rồi nên giờ không có xe nữa. Chúng tôi trình bày hoàn cảnh của mình là người thì bệnh, người thì già nên đi đứng chậm chạp không thể theo kịp anh em. Mặt khác, chúng tôi là người Sài-Gòn đi lính rồi học cải tạo ngoài nầy nên đâu quen biết ai ở đây mà la cà. Thấy chúng tôi thành thật, anh xuống giọng nói giờ chỉ có xe hàng thôi, nhưng chỉ đi tới Cam-Ranh chứ không về Sài-Gòn, nếu chúng tôi chấp nhận thì lên xe. Trong tình thế nầy thì quá tốt đối với chúng tôi rồi, nhưng anh bạn già lại đổi ý đòi ở lại, thế là một mình tôi lên xe đi về phương Nam. Trên xe có vài người phụ nữ là dân buôn bán đường dài, trong đó có hai cô gái cũng trạc tuổi tôi khiến tôi thấy xấu hổ khi nhìn lại bộ quần áo lem luốt, rách rưới, trống trên hở dưới của mình. Tôi bèn ngồi vào cái bánh dự phòng dù không hề êm ái chút nào, nhưng còn hơn là phải tênh hênh ra trước mặt mọi người. Dọc đường, khi xe dừng lại để cho mọi người đi vệ sinh hay ăn cơm, tôi vẫn ngồi lỳ trong cái bánh dự phòng trên xe. Chỉ đơn giản một điều là tôi không có tiền thì có xuống xe, tôi cũng không biết làm gì, mua gì? Thấy tôi không rời khỏi xe, mấy người phụ nữ chắc cũng hiểu tình cảnh của tôi nên họ mua cho tôi mấy cái bánh tét, nhưng tôi không thể nào ăn được vì nhớ đến số anh em tù binh còn ở lại trại. Nước mắt tôi lại ứa ra. Có lúc tôi thấy mình thật là kỳ? Khi còn trong trại thì đói khát thèm ăn đủ thứ, nhưng khi ra ngoài có đồ ăn trong tay thì lại nghẹn ngào không thể ăn được.
          Đến tối, xe tới Cam-Ranh. Những người phụ nữ lần lượt xuống xe, chỉ còn lại mình tôi. Anh tài  xế chắc cũng là chủ xe hỏi tôi xuống đâu? Tôi xin về nhà anh ngủ nhờ một đêm vì đối với tôi bây giờ ở đâu cũng vậy, đều là xa lạ. Khi đến nhà, anh mời tôi cùng ăn cơm với anh, nhưng tôi xin phép ăn riêng vì tôi không muốn mọi người mất ngon khi ngồi chung với người có hình dáng dơ bẩn, gớm ghiết như mình. Đó cũng là lần đầu tiên sau hơn nữa năm trời, tôi mới được ăn cơm trắng với canh chua, cá kho. Thật là một trong số rất ít bữa ăn ngon nhất trong đời của mình. Sau đó, tôi xin phép được ngủ ngoài hàng hiên nhà anh dù gia đình anh nhiều lần kêu tôi đi tắm và vào ngủ trong nhà, nhưng tôi rất kiên quyết từ chối.
  Hôm sau, từ giã gia đình anh tài xế tốt bụng, tôi tìm đường ra quốc lộ 1 để kiếm xe về Sài-Gòn. Có những người phụ nữ là vợ lính VNCH đem theo con nhỏ đi tìm chồng. Họ không thấy chồng trở về từ sau giải phóng đến nay nên lặn lội đi tìm mà không biết người chồng thân thương của họ còn sống hay đã chết và nếu còn sống thì đang lưu lạc phương nào, giống như tôi chẳng hạn. Gặp tôi, họ vồn vã hỏi thăm về đơn vị, về nơi đóng quân, có biết người tên gì đó không và nơi tôi đã học tập cải tạo v.v...nhưng tôi cũng không cung cấp được gì nhiều cho họ.
            Có nhiều chiếc xe đò đi về Sài-Gòn chạy qua, nhưng tôi không thể bắt được chiếc xe nào dừng lại. Chỉ vì họ thấy hình dạng tôi quá ư là nhếch nhác, bẩn thỉu không thể nào là khách đi xe được nên chạy luôn. Thấy vậy, một chị phụ nữ đi tìm chồng đích thân đón dùm tôi được một chiếc xe đò. Khi tôi lên xe, anh chàng phụ xe (lơ) nhìn tôi bằng ánh mắt khó chịu rồi thẳng thừng hỏi tôi:
- Anh đi xe hả?
Tôi gật đầu. Anh ta hỏi tiếp:
- Có tiền trả tiền xe không?
Tôi lắc đầu. Thế là anh ta chửi tôi nào là ngụy, nào là đồ lừa đảo, dối trá, bịp bợm gì đó một thôi, một hồi. Có một bà già cũng trạc tuổi mẹ tôi thấy vậy móc túi định trả tiền xe cho tôi, nhưng anh chàng phụ xe kia hình như thấy mình cũng quá đáng khi phát hiện có nhiều người trên xe nhìn anh bằng ánh mắt thiếu thiện cảm nên đã im lặng, chẳng những vậy anh ta còn lấy một cái ghế nhựa cho tôi ngồi ở giữa 2 hàng ghế. Cũng như lúc quá giang xe hàng từ Quảng-Ngãi về Cam-Ranh, tôi cũng không dám rời khỏi xe để đi vệ sinh và cũng không thể ăn uống được gì. Tôi chỉ mong muốn một điều là được nhanh chóng về với gia đình của mình, với người mẹ thân yêu của mình để quỳ xuống xin lỗi bà.
      Khi xe vào Sài-Gòn, bao nhiêu cảm xúc trỗi dậy làm tôi lại rơi nước mắt. Quê nhà thân yêu của tôi đây rồi. Cảnh cũ vẫn còn nguyên vẹn như lúc tôi rời đi khi chọn binh nghiệp làm lẽ sống. Nhưng, có một cái gì đó rất khác đã xảy ra. Sài-Gòn không còn xe cộ nhộn nhịp, không còn cảnh nam thanh nữ tú dập dìu, hàng quán tấp nập như trước nữa. Một sự đìu hiu bao trùm lên toàn bộ không gian nơi từng được ca ngợi là hòn Ngọc Viễn Đông. Xe vừa qua cầu Bông thì tôi xin xuống vì đã gần đến nhà. Tôi thả bộ trên con đường quen thuộc ngày xưa, nhưng tôi không có được cảm giác háo hức của một người đi xa trở về. Nó xa lạ, trống vắng làm sao. Từ đầu hẻm Trường Tiền vào nhà, không một ai trong xóm nhận ra tôi. Có lẽ tôi không còn là tôi cũng như Sài-Gòn không còn là Sài-Gòn nữa. Vẫn là hình dáng ấy , nhưng đã khác hẳn. Những đứa em tôi chắc là bằng linh cảm của tình máu mủ nên chúng nhận ra được tôi và reo ầm lên làm ba tôi đang chẻ cũi chuẩn bị cho bữa cơm chiều, giật nẩy mình. Ông buông rơi con dao trên tay nhìn sững vào thằng người đứng trước mặt ông giây lát như không tin vào sự thật rồi ông ôm chầm lấy tôi, mắt ông đỏ hoe. Mẹ tôi từ trong nhà chạy vụt ra với 2 hàng nước mắt ràn rụa, bà cũng lao vào ôm chặt tôi. Tôi nhìn kỹ 2 người thân yêu của mình. Họ già đi nhiều, chắc là đã quá lo lắng cho tôi. Sau nầy, tôi nghe họ kể lại là thằng bạn học cùng xóm với tôi tên Phan Đông, đi lính trước tôi vài tháng ở Đoàn 71, cũng từ Đà-Nẵng về tới Lái-Thiêu, đụng trận với việt cộng và đã hy sinh, làm ba mẹ tôi càng thêm bấn loạn. Sau giây phút gặp gỡ đầy cảm xúc, tôi bước vào nhà nhìn quanh. Tất cả đều còn nguyên như trước. Tôi lấy quần áo của mình rồi đi tắm. Tôi phải rất khổ sở mới trút bỏ được bộ đồ cải tạo ra khỏi người vì máu mủ bê bết đã làm nó như dính chặt vào da. Tắm xong, tôi xách bộ đồ dơ đã gắn bó, che chở cho tôi một thời gian dài bỏ vào thùng rác như muốn quên đi một giai đoạn hết sức đau buồn. Nhưng, về với những người thân yêu trong gia đình chỉ là một sự chuyển tiếp trong chuỗi đời sống của những người lính VNCH như tôi khi tương lai hết sức mờ mịt vì cả miền nam Việt Nam đã trở thành một nhà tù rộng lớn của chế độ cộng sản vô đạo. Tất cả sự tàn bạo của cái chế độ đáng nguyền rủa nầy đang nhe nanh, múa vuốt chờ đợi chúng tôi, chờ đợi những người thua cuộc, ở phía trước./.

Saturday, December 3, 2016

Chúc Mừng Chiến Hữu Nguyễn Chánh Toán 726


Nguyễn Chánh Toán 726 Đoàn Công Tác 72

haclong726

Nov 29 2016 at 4:50 AM

Trước hết xin giới thiệu về mình. Tôi tên Nguyễn Chánh, thành viên toán 726 do thiếu uý Quách Tố Long làm trưởng toán, là 1 trong 3 toán của đoàn 72 được lệnh hành quân lên đỉnh Đồng Đen, tức cao độ 66 vào cuối tháng 3/75. Chúng tôi gồm: thiếu uý Quách Tố Long, chuẩn uý Chung Tử Ngọc, Thạch Neary, Châu Chốp, Lê Phước Hậu, Đặng Kim Hùng và tôi v.v.. cùng 2 toán khác và trung đội 3 TQLC mà tôi không nhớ cụ thể của đại đội mấy thuộc tiểu đoàn nào đã cố gắng triệt thoái sau khi mất liên lạc với chỉ huy, nhưng chúng tôi đã không bao giờ trở về với đơn vị của mình được nữa. Chúng tôi bị bỏ rơi một cách không thương tiếc. Từ lúc đó đến sau, chúng tôi phải chấp nhận tất cả mất mát, tủi nhục của kẻ thua cuộc. Phải bị tù đày, đi kinh tế mới và những đau đớn khác cả thể xác lẫn tinh thần. Nhưng, chúng tôi đã vượt lên và tồn tại. Tôi đã gặp anh Nguyễn Quang Đợi, cựu nhân viên toán 723. Thật ra, anh ấy đã giải ngũ trước khi tôi là thành viên của đoàn 72. Chúng tôi đã ôm nhau khóc, những giọt nước mắt hờn tủi của những người lính bất hạnh. Nhưng, chúng tôi không trách ai kể cả người đứng đầu quốc gia. Chúng ta chỉ là con số không trong cuộc chơi của những thế lực muốn phân chia thế giới.
Hôm nay, viết những dòng nầy gửi đến anh không phải để xin giúp đỡ vì thật ra, các anh cũng phải tự lực cánh sinh chứ đâu có ngồi mát ăn bát vàng và tôi cũng không quen vòi vĩnh, đòi hỏi người khác ban phát cho mình ơn huệ. Tôi chỉ muốn tìm lại dấu tích xưa của một thời dấn thân, một thời hào hùng của tuổi trẻ và cũng muốn nhắn nhủ với các anh rằng đâu đó trên quê hương VN vẫn còn những ánh mắt và đôi tay luôn mở rộng chờ ngày đoàn tụ.
  Gửi đến anh lời chào NKT!



Sau khi thụ huấn tại Yên Thế, đầu năm 1975, bọn tôi 4 đứa gồm: Lê Phước Hậu, Đặng Kim Hùng, Lê Văn Tam và tôi cùng về đoàn 72. Hậu, Hùng và tôi được bổ sung toán 726 của thiếu uý Quách Tố Long. Tam về toán khác. Riêng tôi sau đó được đi học khoá pháo binh 1 tháng. Kết thúc khoá học là nhận lệnh hành quân luôn nên tôi thật sự cũng không biết nhiều lắm. Lúc đầu, tôi rất tức giận vì bị bỏ rơi, nhưng sau khi đọc hồi ký của vị chỉ huy Trưởng đoàn 72, tôi hiểu các anh cũng không thuận lợi hơn gì, vì vậy tôi cũng nguôi ngoai và thay vào đó là sự xót xa cho thân phận người lính. Nếu có dịp về thăm anh Đợi, chúng ta sẽ tâm sự nhiều hơn. Vài ngày nữa tôi cũng sẽ ghé anh ấy. Chào anh nhé! Nếu có thể cho tôi gửi lời thăm anh em. À, hình như đại tá Liêu Quang Nghĩa CHT sở LL vừa mất phải không anh?




Nov 30 2016 at 9:49 AM

Em khoá 8/74 Đồng Đế. Lúc còn ở quân trường em là khoá sinh đại đội trưởng đại đội 847, còn Lê Phước Hậu là KS đại đội phó, thuộc tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng. Em không biết Trần Minh Ngà. Em và Hậu cùng vào toán 726 của anh Long, nhưng Hậu đã bung lựu đạn tự sát khi triệt thoái từ Đồng Đen xuống và đụng độ với vc. Chuyện nầy anh Long, anh Ngọc đã biết. Sau mấy ngày trong rừng, tụi em ra Đà Nẵng khi đã bị vc chiếm rồi. Anh Long, Ngọc và những người còn lại, kể cả trung đội TQLC đến chùa tỉnh hội tá túc. Nhưng, lúc đó lính và dân chạy giặc đông quá mà nghe vc sẽ lùa lính và dân đi trước mở đường nên em rủ một thằng lính TQLC đi bộ về SG. 2 đứa đến Châu Ổ, Quảng Ngãi thì bị bắt đưa đi cải tạo. Cuối năm 75, tụi nó cho về (nhà em lúc đó ở Bà Chiểu), nhưng gia đình em phải đi kinh tế mới vì gia đình em là lính VNCH (ba trong đại đội 2 trinh sát dù). Từ đó đến nay, em vẫn luôn tìm kiếm số anh em NKT còn lại, nhưng họ cũng giống mình là luôn dấu thân phận nên thật khó khăn khi tìm họ. Chỉ có một thằng bạn học tên Phạm Duy nó nói ở Nha (bên hông Bộ TTM) và nó là con nuôi đại tá Đoàn Văn Nu giám đốc. Em biết anh Đợi là nhờ đọc mấy bài viết của anh trên mạng nên tìm đến. Em cũng có người thân định cư bên Mỹ, em có nhờ liên lạc với anh, nhưng nó nói không được nên em không thể làm gì hơn. Sau nầy, em có được cái iPhone 5 nên việc truy cập thuận lợi hơn


Dec 1/2016

Khi anh nhắc đến ch/uý Vui, em nhớ đến anh nầy vì sau khi triệt thoái từ ĐĐ xuống cái làng ở chân núi thì đụng độ với vc. Lúc ấy, 3 toán của mình và trung đội 3 TQLC chạy lên ngọn đồi gần đó tính vòng qua làng ra ngã 3 Huế. Anh Vui đi phía trước cách em khoãng 15m, sau lưng em cách khoãng 5m là Hậu (chắc Hậu là người cuối cùng). Dù súng nổ vang trời, anh Vui vẫn đi thanh thản như không có gì xãy ra. Bỗng, sau lưng anh một cột khói bốc lên, đất đá văng tứ tán. Một trái đạn pháo đã nổ sau lưng anh ấy. Khi khói bụi tan đi, em không thấy chiếc ba lô của anh ấy đâu nữa, quần áo cũng bị rách vài nơi, nhưng anh ấy vẫn đi lên đồi và khuất sau mấy bụi sim. Lúc nầy, em và Hậu vẫn lóp ngóp dưới ruộng. Hậu đã quá mệt nên dừng lại và xin em một trái lựu đạn. Em quăng cho nó một trái M67 và nói nó cố gắng lên (em và Hậu cùng là khoá sinh chỉ huy đại đội 847 và cũng gần nhà nên phải nói là rất thân). Em tưởng nó sẽ dùng lựu đạn khi cận chiến hoặc bị thương không cứu được. Nhưng, khi em bò thêm vài bước tới được bờ ruộng, em quay lại báo cho nó biết thì em thấy nó nhắm mắt mà 2 tay ôm bụng. Em hốt hoảng kêu lên: Hậu !!! thì cũng vừa lúc một tiếng nổ vang lên, lửa trùm lên người nó rồi nó ngã vật ra sau. Em đã khóc vì từ lúc đó em đã mất đi người bạn thân nhất của mình. Sau đó, em vừa khóc vừa leo lên bờ chạy vào mấy bụi sim, nơi mấy anh em mình bắn trả lại tụi vc. Anh Long thấy em khóc nên có vẻ bực bội (chắc anh quê trước mấy anh em TQLC) nên hỏi: làm cái gì mà khóc. Em trả lời: Hậu chết rồi. Em thấy anh ấy lặng đi một lúc rồi quay mặt qua chổ khác không nói gì thêm nữa... Có thể anh Ngọc đã sót trường hợp hy sinh của Hậu cũng nên. Nhắc đến điều nầy nghe buồn lắm nhưng biết làm sao? Em chỉ mong tên của Hậu cũng được lưu vào quân sử của NKT để bên kia thế giới nó không bị tủi thân. Mong anh hiểu
http://altsnkt.blogspot.ca/2016/08/anh-linh-tu-si-nha-ky-thuat.html



Dec 2/2016

Sau khi học tập cải tạo về, em có ghé nhà Hậu để báo tin, nhà nó ở trên đuờng Kỳ Đồng, nay là Lê Văn Sĩ, quận 3. Em thuật lại vụ việc Hậu rút lựu đạn tự sát, má nó chửi em: Sao đưa lựu đạn cho nó? Rồi bà khóc thê thảm. Em cũng lặng lẽ rút lui. Em rất hiểu tâm trạng của một người mẹ bị mất con nên em không giận bà ấy mà trái lại em tự dằn vặt mình với câu hỏi: Phải chi mình đừng đưa lựu đạn cho Hậu nhỉ? Giờ thì QLVNCH không còn nữa! NKT không còn nữa nên nói điều nầy ra không phải đòi hỏi quyền lợi nầy kia. Ở cõi vĩnh hằng chắc Hậu cũng đã an vui. Nhưng, những người còn sống như anh em mình có trách nhiệm phải nhớ những người đã nằm xuống vì lý tưởng bảo vệ tổ quốc để sự hy sinh của họ không còn vô nghĩa. Xin hãy ghi tên Lê Phước Hậu vào bảng tử sĩ NKT anh Hoà nhé



Dec 2/2016


Từ đó đến nay em không dám ghé nhà Hậu lần nào nữa. Với lại, đã hơn 40 năm qua không biết nhà nó còn đó hay đã đi nơi khác và em cũng không nhớ đường vào nhà nó. Nhưng em sẽ cố gắng